Trong báo cáo mang tên Triển vọng Năng lượng Thế giới 2023, IEA cho biết việc đưa ra dự đoán như vậy là dựa trên những chính sách hiện tại mà các nước trên thế giới đưa ra về nhu cầu phát triển công nghệ năng lượng sạch, cùng với đó sự thay đổi cấu trúc kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Đây là những yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đối với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch.
Ước tính, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu, vốn giữ ở mức khoảng 80% trong nhiều thập kỷ qua, sẽ giảm xuống còn 73% vào năm 2030. Lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Theo báo cáo, nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn ở mức quá cao. Do đó, cơ quan này cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 về hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Tổng giám đốc IEA Fatih Birol cho biết: "Quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trên toàn thế giới và đây là xu thế không thể đảo ngược". Tổng giám đốc IEA cho rằng quá trình chuyển đổi này diễn ra càng nhanh chóng thì sẽ càng đem lại nhiều lợi ích hơn cho thế giới.
Theo IEA, trong năm 2020, cứ 25 xe ô tô được bán ra thị trường thì chỉ có một là xe điện. Tuy nhiên, đến năm 2023, nếu như 5 xe ô tô bán ra thì sẽ có một là xe điện. Ngoài ra, năng lực sản xuất nhiên liệu tái tạo sẽ đạt mức kỷ lục mới là hơn 500 gigawatt (GW) vào năm 2023. Theo những chính sách hiện nay thì dự kiến, đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 80% năng lực sản xuất những loại điện năng mới, trong đó riêng năng lượng Mặt Trời đã chiếm hơn một nửa mức mở rộng năng lượng tái tạo nói trên.