Chuyên gia Bill Cooke thuộc Cơ quan Môi trường Thiên thạch của NASA cho biết: "Dưới bầu trời tối và trong, cách xa ánh đèn thành phố, chúng tôi dự kiến rằng mật độ sao băng cực đại có thể lên tới 100 vệt/giờ".
Theo ông Cooke, mưa sao băng tháng 8 năm nay có thể sẽ trở nên đẹp một cách đặc biệt bởi hiện tượng này xảy ra gần với giai đoạn Mặt Trăng mới. Trong thiên văn học, Mặt Trăng mới là giai đoạn Mặt Trăng đầu tiên, khi Mặt Trăng và Mặt Trời có cùng kinh độ hoàng đạo. Trong giai đoạn này, Mặt Trăng chủ yếu được chiếu sáng do ánh sáng của Trái Đất và các ngôi sao.
Mưa sao băng Perseid là "món quà tuyệt đẹp" mà sao chổi Swift-Tript dành cho Trái Đất. Cứ 133 năm, sao chổi khổng lồ này lại bay qua Hệ Mặt Trời bên trong và phóng ra một vệt bụi và cát dọc quỹ đạo bay của nó. Khi Trái Đất đi qua "di sản" của sao chổi Swift-Tript, các mảnh sao chổi rơi vào bầu khí quyển với tốc độ 140.000 dặm/giờ, cháy bùng lên rồi tan rã trong chớp mắt, tạo nên ảo ảnh về những vì sao rơi xuống.
Thông thường, một số thiên thạch từ mưa sao băng Perseid có thể quan sát thấy từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 hàng năm. Thiên thạch từ Swift-Tript được gọi là Perseid vì hướng bay của chúng dường như xuất phát từ chòm sao Perseus. Theo NASA, khi chòm sao Perseus lên cao và càng về đêm, mật độ sao băng sẽ tăng cao. Hiện tượng sao băng có thể trở nên rực rỡ hơn từ 3 đến 10 lần khi quan sát ở vùng nông thôn so với khu vực thành thị.