Theo tờ Politico, giới lãnh đạo, điều hành bệnh viện cho biết họ không thể tin chắc vào những phát biểu mới đây của Thống đốc Andrew Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio cho rằng gánh nặng, sức ép đối với các bệnh viện đã bắt đầu giảm bớt trong những ngày gần đây.
Một số bệnh viện muốn được cấp thêm máy thở, trong khi số khác từ lâu đã áp dụng phương thức tự lực bổ sung kho dự trữ.
Y tá tiếp tục phàn nàn về tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ như khẩu trang, mũ che mặt. Bác sĩ ở một trong những hệ thống bệnh viện lớn nhất New York gần đây được hướng dẫn cách thức phân bổ có kiểm soát lượng máy thở trong trường hợp cần kíp. “Chúng tôi vẫn nghĩ mình cần phải có thêm 200 máy thở nữa mới bảo đảm”, ông Steven Corwin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành chuỗi bệnh viện New York-Presbyterian cho biết.
Theo ông, 10 bệnh viện trong hệ thống có đủ máy thở tại thời điểm hiện nay với khoảng 870 máy, tính tổng cả kho có sẵn và số được cải hoán từ máy gây mê. Số máy này chỉ dành cho bệnh nhân nặng.
Ông Corwin ước tính tại thời điểm đỉnh dịch, New York-Presbyterian phải cần đến 1.000 máy thở, tương đương với số bệnh nhân phải nằm trong các phòng điều trị tích cực mà ở đó mỗi người gần như chắc chắn sẽ phải được biên chế một máy thở. Đó là lý do công ty của ông vẫn cần phải tìm kiếm thêm nguồn cung.
Tuy nhiên, cũng có thông tin tích cực. Trong khi cảnh báo thiếu hụt máy thở hôm 2/4, Thị trưởng Bill de Blasio – người đứng đầu bộ máy quản lý 11 bệnh viện công, đã quyết định chi 117 triệu USD để mua thêm 5.400 thiết bị theo như các hợp đồng được công bố hôm 13/4. Trong số này đã có 1.800 chiếc đã được phân phối.
Tại thời điểm thỏa thuận, ông Bill de Blasio lo lắng về viễn cảnh ảm đạm đối với nguồn cung của thành phố, nhưng hiện tại số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu cần chữa trị đã giảm. Đến ngày 12/4, Thị trưởng tuyên bố thành phố có đủ nguồn cung đáp ứng. Ông Bill de Balsio nói thêm rằng tại thời điểm hiện nay, mọi việc ổn nếu số bệnh nhân không tăng lên, đồng thời khẳng định thành phố New York sẵn sàng hoàn trả số máy thở đã mượn từ nhiều địa phương trong bang nếu số này có nhu cầu.
Một hy vọng mong manh khác xuất hiện khi Thống đốc Andrew Cuomo ngày 12/4 đã hoàn trả 35 máy thở cho Trung tâm Phục hồi chăm sóc sức khỏe Pathways ở Niskayuna, ngoại ô hạt Schenectady, New York.
Khắp New York, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhân viên y tế và bệnh nhân quay cuồng trong hơn một tháng qua, với cảnh báo dịch sẽ lên đỉnh trong tuần này. Số ca nhập viện, số ca dương tính và số ca phải sử dụng phòng điều trị tích cực đều giảm.
Vật dụng y tế khan hiếm hiện nay chính là que thử dùng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với nguồn dự trữ tại các hệ thống bệnh viện đều ở mức đặc biệt thấp.
Hệ thống New York-Presbyterian hiện có 870 bệnh nhân được đặt nội khí quản và 182 máy thở toàn thời gian luôn sẵn sàng để triển khai. Hệ thống được bổ sung nguồn cung theo tuần, lấy từ kho dự trữ của thành phố, dựa trên các công thức, dữ liệu, báo cáo tình hình bệnh nhân, số ca nhập viện cấp cứu khẩn cấp.
Hệ thống bệnh viện Northwell Health, đơn vị cho phổ biến hướng dẫn cách thức điều chuyển luân phiên thiết bị y tế thiết yếu trong hệ thống, đang chữa trị cho 3.299 bệnh nhân COVID-19. Một phần tư trong số này đang phải sử dụng máy thở.
Theo ông Terence Lynam, phát ngôn viên của Northwell Health, khoảng 80% máy thở đang được sử dụng, hệ thống chỉ có thể duy trì khả năng chữa trị nhờ vào việc hoán cải máy điều trị ngưng thở khi ngủ thành máy thở với sự giúp đỡ của máy in 3D. Hiện tại hệ thống vẫn cố gắng có được càng nhiều máy càng tốt. Ông Lynam cho biết 19 bệnh viện Northwell Health trên toàn bang có đủ dự trữ đồ bảo hộ cho y tá và đang cố tìm cách duy trì kho dự trữ này, yêu cầu các nhân viên tái sử dụng trừ khi bị rách.
Trong khảo sát của Politco, lãnh đạo các bệnh viện tại New York đều tuyên bố có đủ thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế trước quan ngại ngày một gia tăng trong công luận về tình trạng khan hiếm trên toàn thành phố.
Tuy nhiên, những đánh giá này không được giới nghiệp đoàn lao động, chính trị gia, nhân viên y tế tán đồng. Chủ tịch Hiệp hội Y tá bang New York Judy Sheridan-González nhận định, điều bộc lộ rõ nhất trong dịch COVID-19 chính là một hệ thống y tế thiếu thốn, chạy theo lợi nhuận nên đã không được trang bị tốt để đối phó với khủng hoảng y tế và khiến hàng nghìn người đã phải bỏ mạng. Một hệ thống vận hành tốt phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết – từ nghiên cứu, năng lực xét nghiệm, máy thở, giường bệnh tới nhân viên.