Thông cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) nhấn mạnh Khu công nghiệp chung Kaesong luôn là một biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên. Do đó KITA hy vọng hoạt động của khu công nghiệp sẽ được nối lại sau khi căng thẳng trong quan hệ liên Triều giảm xuống. KITA cũng kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng để thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Binh sĩ Hàn Quốc dựng rào chắn trên tuyến đường dẫn tới khu công nghiệp Kaesong tại thành phố biên giới Paju của Hàn Quốc, gần khu phi quân sự giữa hai miền, ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Khu công nghiệp chung Keasong cũng kêu gọi chính phủ xem xét lại quyết định ngừng hoạt động tại khu công nghiệp này. Ông Jung Ki-sup, người đứng đầu hiệp hội trên cho biết thông báo về quyết định đóng cửa khu công nghiệp được đưa ra rất bất ngờ và những thiệt hại xảy ra với các công ty tại đây là không thể phục hồi trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo kế hoạch ngừng “hoàn toàn” các hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong, theo đó sẽ rút tất cả các công dân Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp này trong vài ngày tới. Quyết định được đưa ra sau khi Triều Tiên ngày 7/2 phóng một tên lửa mang một vệ tinh quan sát Trái Đất lên quỹ đạo. Hàn Quốc cùng Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác coi đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng hồi tháng 1 vừa qua công bố đã thử thành công một quả bom nhiệt hạch.
Các chính đảng ở Hàn Quốc cũng đã có những phản ứng về quyết định trên của chính phủ.
Đảng Saenuri cầm quyền tuyên bố tôn trọng quyết định của chính phủ và coi đây là “một biện pháp tất yếu nhằm chấm dứt các hành động khiêu khích của Triều Tiên”. Trong một thông cáo báo chí, đảng trên cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng các hành động khiêu khích sẽ chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng cô lập của Triều Tiên. Chủ tịch đảng Saenuri Kim Moo-sung hoan nghênh quyết định của chính phủ và cho rằng Seoul "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trừng phạt Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Trong khi đó, đảng Minjoo đối lập phản đối quyết định trên của chính phủ và cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên qua việc loại bỏ hoàn toàn các mối giao lưu liên Triều. Thông cáo báo chí của đảng này cảnh báo biện pháp này rất có thể sẽ dẫn tới việc đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp này và kêu gọi chính phủ xem xét lại quyết định trên.
Khu công nghiệp chung Kaesong, với khoảng 120 công ty Hàn Quốc hoạt động tại đây sử dụng hơn 53.000 lao động Triều Tiên, là biểu tượng cuối cùng còn lại của tinh thần hòa giải liên Triều. Hồi năm 2013, khu công nghiệp này cũng từng bị đóng cửa 5 tháng sau khi Triều Tiên rút toàn bộ công nhân.