Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất một kế hoạch gồm 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhiều nước phương Tây và các nước liên quan đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này.Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/9 đã bảy tỏ ủng hộ mong muốn của Nga thực hiện kế hoạch hòa bình tại miền Đông Nam.
Ông Poroshenko cho rằng kế hoạch hòa bình cần có cam kết của cả hai bên về lệnh ngừng bắn song phương do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát. Ông cũng hy vọng kế hoạch hòa bình này là cơ sở cho cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tại Minsk vào ngày 5/9.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo đề xuất của Tổng thống Nga, các bên xung đột ở Ukraine cần ngay lập tức ngừng mọi cuộc tấn công; các đơn vị vũ trang của Ukraine phải rút lui tới khoảng cách không thể bắn phá bằng pháo kích vào khu vực dân cư.
Tổng thống Nga cũng đề nghị tổ chức một hoạt động quốc tế giám sát đầy đủ và khách quan sự tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Ông cũng đề xuất tổ chức trao đổi những người bị bắt giữ dưới hình thức "tất cả đổi tất cả" không có bất kỳ điều kiện, đồng thời mở hành lang nhân đạo cho người tị nạn và cung cấp viện trợ nhân đạo đến các vùng Donetsk và Lugansk.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), Stefan Dyuzharrik tuyên bố TTK LHQ Ban Ki-moon tin tưởng kế hoạch hòa bình của Nga sẽ có hiệu quả trong trường hợp tất cả các bên có bước đi cụ thể, bắt đầu từ cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc tới đây.
Cơ quan báo chí của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố EU hoanh nghênh mọi sáng kiến hòa bình tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. EU cho rằng không thể sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Một nguồn tin thân cận giới lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cho biết các nước thành viên NATO hoan nghênh mọi thỏa thuận chính trị nhằm giảm căng thẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng NATO cũng muốn thấy các bước đi cụ thể của Nga.
Trong khi đó, người đứng đầu chính quyền Cộng hòa Donesk tự xưng Alexander Zakharchenko tuyên bố lực lượng đòi liên bang hóa ở Đông Nam Ukraine sẵn sàng ngừng bắn nhưng chỉ trong trường hợp các đơn vị vũ trang Ukraine có bước đi tương tự.
Binh sĩ Ukraine thuộc Tiểu đoàn Azov tại thành phố Mariupol, đông nam Ukraine. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ông Zakharchenko cáo buộc chiến dịch quân sự tại miền Đông Nam được tiến hành không chỉ bởi quân đội Ukraine mà còn có các đơn vị của lực lượng cận vệ quốc gia, đảng Cánh hữu... và chính các lực lượng này đã nhiều lần phá bỏ các thỏa thuận đạt được.
Ông Zakharchenko nhấn mạnh Cộng hòa Donesk tự xưng đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, nhưng phía chính quyền Kiev chỉ trả lời bằng yêu cầu lực lượng đòi liên bang hóa phải hạ vũ khí và đầu hàng. Theo ông, khi tình hình chiến sự đang bất lợi cho phía chính quyền Kiev và quân đội Ukraine sẽ phải ngừng bắn trước.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/9, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ sẽ điều khoảng 200 binh sĩ tới tham gia cuộc tập trận do nước này dẫn đầu tại Ukraine trong tháng 9, trong một bước đi nhằm thể hiện sự đoàn kết với Kiev.
Sự hiện diện của 200 binh sĩ từ Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 sẽ đánh dấu lần đầu tiên binh sĩ tác chiến mặt đất Mỹ được triển khai tại Ukraine kể từ khi cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa bùng phát.
Còn các quan chức EU cho biết liên minh này sẽ triển khai hàng chục chuyên gia tới Ukraine để giúp cải cách lực lượng cảnh sát của nước này, nhóm chuyên gia này bao gồm người Thụy Điển, Anh, Đức, Luxembourg và các nước Baltic.
TTXVN/Tin tức