Dư luận thế giới lên án vụ ám sát Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao Ápganixtan

Vài giờ sau khi xảy ra vụ đánh bom liều chết sát hại ông Burhanuddin Rabbani, cựu Tổng thống Ápganixtan và là Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao nước này, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/9 đã cực lực lên án vụ ám sát, coi đây là một "hành động bạo lực vô nhân đạo".

Lực lượng cảnh sát Ápganixtan gần hiện trường vụ ám sát ông Rabbani tại thủ đô Cabun ngày 20/9. Ảnh: THX-TTXVN


Trong cuộc gặp Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Tổng thống Obama bày tỏ tin tưởng rằng vụ ám sát này sẽ không ngăn cản được những nỗ lực hướng tới tự do của Ápganixtan. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton cũng lên án vụ ám sát, đồng thời khẳng định Mỹ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực đem lại hòa bình và hòa giải tại Ápganixtan.

Tại Ixlamabát, Bộ Ngoại giao Pakixtan ra tuyên bố lên án vụ ám sát, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu Tổng thống Rabbani là "một người bạn" mà Pakixtan cộng tác chặt chẽ trong các nỗ lực hòa bình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakixtan khẳng định: "Nhân dân Pakixtan đứng bên cạnh những người anh em Ápganixtan trong giờ phút đau thương vì mất đi một nhà lãnh đạo có tài, người đang tích cực theo đuổi hòa bình và hòa giải ở Ápganixtan."

Cùng ngày 21/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng bày tỏ chia buồn trước việc cựu Tổng thống Ápganixtan bị sát hại dã man. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague hy vọng vụ tấn công liều chết này sẽ không tác động tới nỗ lực tiến tới hòa bình và hòa giải của Ápganixtan. Lãnh đạo và quan chức cấp cao nhiều nước khác cũng lên án vụ sát hại ông Rabbani, đồng thời bày tỏ ủng hộ nhân dân Ápganixtan.

Ngay trong ngày 21/9, người phát ngôn của Tổng thống Ápganixtan Hamid Elmi thông báo ông Karzai sẽ rút ngắn lịch trình tham dự kỳ họp của Đại hội đồng LHQ để về nước.

Ông Rabbani cầm quyền tại Ápganixtan từ năm 1992 đến 1996. Ông được Tổng thống Karzai bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng hòa bình tối cao (gồm 70 thành viên) hồi tháng 10/2010, với nhiệm vụ tiến hành đối thoại với phiến quân Taliban và các nhóm nổi dậy khác. Song các lực lượng này nhiều lần bác bỏ Hội đồng hòa bình tối cao và yêu cầu rút các lực lượng vũ trang nước ngoài khỏi Ápganixtan.

Theo tin mới nhất liên quan tới việc điều tra vụ ám sát này, người đứng đầu Cơ quan Điều tra tội phạm của Cabun, ông Mohammad Zaher cho biết tối 20/9, có hai đối tượng là thành viên Taliban đã gặp ông Rabbani tại nhà riêng của ông (gần tòa Đại sứ quán Mỹ) và kích hoạt khối thuốc nổ. Vụ nổ làm ông Rabbani thiệt mạng và làm bị thương ông Massom Stanikzai, Trưởng Ban thư ký Hội đồng hòa bình. Trước đó, có tin cho rằng ông Stanikzai cũng đã thiệt mạng. Một nguồn tin cảnh sát cho hay kẻ tấn công liều chết đã cuốn thuốc nổ vào chiếc khăn xếp đội đầu khi đến gặp ông Rabbani.

TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN