Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 16 xu Mỹ lên 67,93 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent biển Bắc cũng tăng 8 xu Mỹ lên 76,58 USD/thùng.
Số liệu mới nhất do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 4,3 triệu thùng xuống 401,49 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 31/8. Đây là mức dự trữ thấp nhất kể từ tháng 2/2015 tới nay.
Tuy nhiên bất chấp thông tin nêu trên, các nhà phân tích cho rằng đà tăng của giá dầu phần nào bị chặn lại do thông tin lượng xăng dự trữ của Mỹ tăng 1,8 triệu thùng, trong khi các sản phẩm chưng cất như dầu diesel cũng tăng thêm 3,1 triệu thùng.
Bên cạnh đó, những lo ngại về các biện pháp thuế quan mà Washington dự kiến sẽ tiếp tục áp lên hàng hóa Trung Quốc cũng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Khi tính đến nguồn cung, số liệu của EIA cho thấy sản lượng khai thác dầu của Mỹ vẫn duy trì ở mức 11 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ cho rằng sau khi đã tăng khoảng 30% trong vòng hai năm qua, tăng trưởng sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ bắt đầu suy giảm từ nay cho tới quý IV/2019.
Một yếu tố khác cũng tác động lên thị trường năng lượng là việc Mỹ sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu dầu của Iran từ tháng 11 tới. Động thái này của Washington được cho là sẽ thắt chặt thêm nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Trong khi đó, vẫn còn những bất ổn xung quanh chiến lược của Trung Quốc và Ấn Độ - hai khách hàng lớn của Iran – nhằm đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ. Trước đó, Washington đã có những chỉ dấu cho thấy họ có thể tạm thời miễn trừ lệnh cấm cho một số quốc gia đồng minh nếu những nước này không thể ngay lập tức dừng nhập khẩu dầu từ Iran.