Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, quân đội Đức có thể được điều đến Litva và các nước khác ở sườn phía Đông của NATO một ngày sau khi Nga chính thức công nhận hai khu vực của Ukraine là độc lập, càng làm dấy lên lo ngại về xung đột bạo lực trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc báo chung với người đồng cấp Litva tại căn cứ quân sự Rukla, bà Lambrecht cho biết: “Rõ ràng là chúng ta cần áp dụng các biện pháp răn đe nghiêm khắc hơn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã sẵn sàng gửi thêm binh lính, cả lục quân và không quân. Chúng tôi cũng sẵn sàng gửi thêm binh lính tới Litva, thể hiện rằng chúng tôi là một đối tác đáng tin cậy trong một cuộc khủng hoảng".
Binh sĩ Đức chiếm khoảng một nửa trong số 1.100 nhóm tác chiến của NATO ở Litva, cùng với các binh sĩ đến từ Bỉ, Cộng hòa Séc, Luxembourg, Hà Lan và Na Uy. Bà Lambrecht cho biết thêm đợt tiếp viện được đề xuất này gồm một đơn vị 360 lính Đức đã lên đường đến Litva ngày 22/2.
Na Uy cũng thông báo rằng họ sẽ bổ sung 50-60 binh sĩ cho nhóm tác chiến NATO trên.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết 800 binh sĩ nước này đang được bổ sung vào nhóm chiến đấu của NATO tại Estonia và có thể gửi thêm 800 binh sĩ "để giúp bảo vệ các đồng minh nếu NATO đưa ra yêu cầu".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace sau đó thông báo rằng một nhóm riêng biệt, Lực lượng viễn chinh chung (JEF), gồm Anh, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển, sẽ sớm tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Âu. Quân đội của Anh và các nước Baltic sẽ tham gia các cuộc tập trận "trên biển, trên bộ và trên không".
Với sự bổ sung trên, lực lượng tiếp viện dự kiến sẽ góp phần tăng mạnh số lượng quân NATO ở Latvia, Litva và Estonia, lên khoảng 6.000 người.
NATO đã thiết lập 4 nhóm chiến đấu đa quốc gia với chỉ hơn 1.000 quân mỗi nhóm tại Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan vào năm 2017 sau khi Nga sáp nhập Crimea.