Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhằm có được cái bắt tay với ông Martin Schulz - cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu và hiện là Chủ tịch SPD, Thủ tướng Merkel đã chấp nhận một loạt yêu cầu của SPD. Điều này sẽ giúp bà có thể nắm giữ cương vị Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp - san bằng kỷ lục của cựu Thủ tướng Helmut Kohl và Thủ tướng Đức đầu tiên Konrad Adenauer.
Một trong những điểm nhấn của thỏa thuận giữa CDU/CSU và SPD là các bên thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ với Pháp để củng cố và cải cách bền vững khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone). Đề xuất cải cách Liên minh châu Âu (EU) và Eurozone do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng và Thủ tướng Merkel từng lên tiếng ủng hộ.
Phát biểu sau khi đạt được thỏa thuận trên, ông Schulz cho biết: "Chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh kinh tế và chính trị của Đức để biến châu Âu thành một dự án lớn mà các quốc gia là mỗi thành viên của cộng đồng này". Chính trị gia này cũng kêu gọi triển khai kế hoạch thúc đẩy "một nước Mỹ của châu Âu vào năm 2025".
CDU/CSU và SPD cũng nhất trí sẽ hạn chế tối đa việc tiếp nhận người tị nạn hàng năm là 220.000 người. Các trung tâm hồi hương người tị nạn cũng sẽ được mở ra để xử lý các yêu cầu của người tị nạn. Ba quốc gia ở Bắc Phi gồm Algeria, Maroc và Tunisia sẽ được xác nhận là "điểm xuất phát an toàn", qua đó cho phép trục xuất người tị nạn về lại những nơi này khi cần thiết.
Cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều lên tiếng hoan nghênh việc CDU/CSU và SPD đạt được thỏa thuận sơ bộ qua vòng đàm phán thăm dò, tạo cơ sở cho một chính phủ mới ổn định và hướng về châu Âu sẽ ra đời ở Đức trong thời gian tới.