“Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ quân sự bền vững cho Kiev, bao gồm cả vũ khí hiện đại của phương Tây và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của Ukraine”, ông Scholz nói với các nghị sĩ Đức trong một bài phát biểu trước quốc hội.
Ông Scholz cũng cho biết Berlin và các đối tác trong G7 và EU đang nỗ lực đảm bảo an ninh lâu dài cho Kiev, đồng thời thừa nhận rằng các cuộc đàm phán về vấn đề này đang diễn ra.
"Nhưng khi nghĩ đến việc Ukraine gia nhập NATO, chúng ta phải có một cái nhìn tỉnh táo về tình hình hiện tại”, Thủ tướng Scholz nói.
Ông Scholz đề nghị tập trung vào ưu tiên hàng đầu cho hội nghị thượng đỉnh NATO, cụ thể là tăng cường sức mạnh chiến đấu của Ukraine, đồng thời nhắc lại lập trường của Đức là phản đối bất kỳ sự hậu thuẫn cụ thể nào nhằm đưa Kiev chính thức gia nhập NATO.
Các thành viên NATO đã đồng ý trong tuyên bố Bucharest năm 2008 rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ gia nhập liên minh này. Nhưng Ukraine, nước đã chính thức nộp đơn vào mùa Thu năm ngoái, hy vọng về một cam kết mới và một mốc thời gian cụ thể.
Hiện tại, các nước phương Tây đang tranh cãi về những gì sẽ cung cấp cho Ukraine khi các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này gặp nhau ở Vilnius vào giữa tháng 7 tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang kêu gọi các đối tác đảm bảo an ninh và đưa một tín hiệu cụ thể rằng Ukraine một ngày nào đó sẽ gia nhập NATO.
Cụ thể, Ukraine kỳ vọng sẽ nhận được ít nhất là các đảm bảo an ninh của NATO, thay vì chỉ là một cam kết mơ hồ khác về "chính sách mở cửa".
Trong khi đó, việc trao cho Ukraine đảm bảo an ninh - nghĩa là dưới sự bảo vệ của NATO - là điều không thể xảy ra khi xung đột vẫn đang tiếp diễn. Do đó, các nhà ngoại giao trong NATO chỉ cam kết lâu dài trong việc hỗ trợ Ukraine về trang thiết bị quân sự.
“Đưa ra bảo đảm an ninh" cho Ukraine có nghĩa là cam kết hỗ trợ lâu dài, Thứ trưởng Ngoại giao Litva Mantas Adomėnas lưu ý tại một sự kiện ở Vilnius tuần này.
Các nhà ngoại giao NATO hy vọng động thái này sẽ mang lại cho Ukraine đủ sức mạnh quân sự và năng lực để ngăn chặn và tự bảo vệ trước bất kỳ hành động gây hấn nào.
Kiev và các đối tác ở Đông Âu đang kêu gọi thực hiện các bước cụ thể với một lộ trình để đưa Ukraine đến gần hơn với những gì họ coi là tư cách thành viên cuối cùng sau khi xung đột kết thúc.
Nhưng các chính phủ phương Tây như Mỹ và Đức cảnh giác với bất kỳ động thái nào có thể đưa liên minh tiến gần hơn đến xung đột với Nga, do đó từ chối vạch ra bất kỳ mốc thời gian nào cho việc gia nhập NATO của Kiev.