Đức cân nhắc khả năng áp đặt phong tỏa trên toàn quốc

Ngày 9/4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng Đức cần áp đặt các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để dập tắt làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay càng sớm càng tốt.

Chú thích ảnh
Một nhà hàng đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh nước Đức cần thực hiện một đợt phong tỏa và có thể sẽ cần áp đặt giới nghiêm ban đêm để hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội. Ông Spahn cho biết thêm hiện có gần 4.500 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị tích cực, nếu tình trạng này không suy giảm, hệ thống y tế của Đức có thể sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Dự kiến, trong ngày 12/4 tới, Thủ tướng Angela Merkel sẽ họp trực tuyến với thủ hiến các bang để thảo luận về tình hình dịch COVID-19. Tuy nhiên, đã có một số ý kiến kêu gọi hoãn cuộc gặp này khi thủ hiến 16 bang chưa có đường lối rõ ràng trong việc phòng chống dịch. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Đức ghi nhận hơn 2,97 triệu ca mắc COVID-19 và 78.000 ca tử vong.

* Trong khi đó, Chính phủ Phần Lan đang có kế hoạch từng bước dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19. Phát biểu họp báo ngày 9/4, Thủ tướng Sanna Marin cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là khi kết thúc năm học, trẻ em có thể tham gia các trại hè và mọi người có thể bắt đầu lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ". Thời điểm kết thúc năm học ở Phần Lan là vào ngày 5/6 hằng năm. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó các hạn chế không nên được dỡ bỏ sớm.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu nới lỏng phong tỏa, tình trạng khẩn cấp ban bố ngày 1/3 vừa qua sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng 4, có thể cho phép mở cửa lại nhà hàng nhưng sẽ bị giới hạn công suất phục vụ và giờ hoạt động. Tiếp đến, trong tháng 5, Phần Lan cho phép hành khách từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh vì lý do công việc. Từ tháng 6, quy định hạn chế tụ tập đông người ở nơi công cộng sẽ được dỡ bỏ, đồng thời nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ hầu hết các nước châu Âu. 

Phần Lan là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng ít nhất từ đại dịch COVID-19, với hơn 80.800 ca mắc và 866 ca tử vong. Hiện nước này đang điều trị cho 235 người. 

* Cùng ngày 9/4, cảnh sát Na Uy cho biết Thủ tướng Erna Solberg phải nộp phạt vì vi phạm quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 khi tổ chức một buổi gặp mặt gia đình mừng sinh nhật. Khoản tiền phạt là 20.000 krone Na Uy, tương đương 2.352 USD.

Tháng trước, Thủ tướng Solberg đã lên tiếng xin lỗi người dân vì đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình cùng 13 người thân trong gia đình tại một khu nghỉ dưỡng hồi cuối tháng 2 vừa qua, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người.

Nhờ áp đặt các quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Na Uy là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong thấp nhất châu Âu. Tuy nhiên, trong quý I/2021, số ca mắc COVID-19 ở Na Uy đã tăng nhanh, chủ yếu do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, buộc chính phủ phải siết chặt các hạn chế từ cuối tháng 3.

Phan An  (TTXVN)
Đức đàm phán mua vaccine Sputnik V của Nga
Đức đàm phán mua vaccine Sputnik V của Nga

Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN