Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trong cuộc họp báo sáng 8/10 ở Berlin, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhấn mạnh số ca nhiễm mới đang gia tăng trở lại, trong đó số người trẻ tuổi bị nhiễm cao, tuy nhiên, số ca tử vong và các ca được chăm sóc đặc biệt vẫn ở mức thấp.
Theo số liệu cập nhật sáng cùng ngày của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ở Đức đã tăng trên 4.000 ca, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 4.
Bộ trưởng Spahn kêu gọi người dân hợp tác và tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, gồm bốn chữ AHAL (giữ khoảng cách, đảm bảo vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và đảm bảo thông gió ở các không gian kín). Ông cũng cảnh báo tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới ở thủ đô Berlin khi những quy tắc phòng dịch không được tuân thủ.
Theo ông Spahn, việc đảm bảo các quy định này sẽ giúp tránh được tình huống xảy ra như hồi tháng 3, ngay cả khi những hạn chế mới có thể được tái áp đặt. Tuy không ủng hộ việc áp dụng trở lại những biện pháp nghiêm ngặt trước đây, song ông kêu gọi người dân cần hạn chế và kiểm soát tốt các cuộc tụ tập, tập trung đông người, nên cấm bán chất có cồn ở những khung giờ nhất định trong ngày.
Bộ trưởng Đức cũng cho biết các cơ sở y tế sẽ thực hiện xét nghiệm nhanh cho người dân và khách tới thăm các cơ sở dưỡng lão cũng như sửa đổi phù hợp các quy định về cách ly trong mùa Thu và mùa Đông.
Trong khi đó, Chủ tịch RKI Lothar Wieler cho biết tỷ lệ lây nhiễm gia tăng một cách đáng lo ngại ở hầu hết các khu vực tại nước Đức. Ông cảnh báo nguy cơ sẽ có trên 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, dẫn tới tình trạng dịch lây lan không thể kiểm soát, đồng thời kêu gọi người dân cần tránh các không gian kín và tụ tập đông người.
Tại cuộc họp báo trên, Giáo sư - Tiến sĩ Martin Kriegel thuộc Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin) nhấn mạnh tác dụng hiệu quả của việc đảm bảo thông gió ở không gian kín trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
* Ngày 8/10, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thuốc Gilead của Mỹ để mua thuốc kháng virus Remdesivir cho khoảng 500.000 bệnh nhân mắc COVID-19, qua đó nhằm tăng mạnh nguồn cung thuốc điều trị bệnh COVID-19 tại châu Âu. Gilead cũng đã xác nhận thông tin này.
EC, cơ quan giám sát việc mua vaccine chung tại Liên minh châu Âu (EU), cho biết đã có 37 bên ký kết thỏa thuận trên, bao gồm 27 quốc gia thành viên EU, Anh, 6 nước khu vực Balkan, và các quốc gia thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu là Iceland, Liechtenstein và Na Uy.