Một số nhân vật trong giới chính trị và công nghiệp quốc phòng giấu tên nói với tờ Handelsblatt rằng Đức đang giảm mạnh các kế hoạch tái vũ trang. Bởi lẽ, tình trạng lạm phát cao và đồng USD mạnh đã khiến các thiết bị quân sự mới trở nên quá đắt đỏ đối với nguồn ngân sách của nước này.
Nhiều dự án, đặc biệt là các chương trình trang bị cho hải quân và không quân, có nguy cơ bị hủy bỏ.
Mặc dù được đặt hàng để thay thế những thiết bị quân sự mà Berlin đã gửi cho Kiev, số phận của lô tàu hộ tống K130 thứ ba hiện cũng đối mặt với khó khăn, cùng với các máy bay phản lực Eurofighter, tàu khu trục nhỏ và pháo tự hành.
Số lượng xe chiến đấu bộ binh Puma trong lô hàng thứ hai, ước tính giá trị khoảng 304 triệu euro vào đầu năm nay, cũng đang bị rút xuống dựa trên tình hình hàng tuần.
“Vì nhiều dự án kéo dài từ 5 đến 7 năm, nên lạm phát theo chiều hướng này sẽ tạo ra một vấn đề tài chính nghiêm trọng”, một trong những nguồn tin giải thích. Tình hình kinh tế ở châu Âu đã trở nên khó khăn sau khi gánh nặng tài chính từ đại dịch COVID-19 trở nên trầm trọng hơn do hậu quả từ các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga.
Trong khi đó, các nhà sản xuất vũ khí tỏ ra không hài lòng về khoản quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro do Chính phủ Đức phân bổ cho mục đích tái vũ trang. "Để thực hiện mong muốn của Quân đội Đức (Bundeswehr), cần có 200 tỷ euro", một giám đốc công ty quốc phòng nói với Handelsblatt.
Khi công bố khoản đầu tư tren vào tháng 6, Thủ tướng Olaf Scholz cam kết nó sẽ giúp Quân đội Đức trở thành đội quân lớn nhất trong số các quốc gia thành viên khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng Bundeswehr sẽ có thể bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu này.