Trong tuyên bố trên trang Twitter, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh rằng: "Chính sách năng lượng của châu Âu sẽ được quyết định tại châu Âu chứ không phải tại Mỹ. Chúng tôi bác bỏ sự can dự từ bên ngoài và các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng ngoài phạm vi lãnh thổ".
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 9,5 tỷ euro (10,6 tỷ USD) được xây dựng chạy dưới biển Baltic, với thiết kế giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga vận chuyển đến Đức.
Phòng Thương mại Đức - Nga (AHK) cho biết đường ống này rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu nói chung, đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với Mỹ nếu dự luật trên chính thức được thông qua. Người đứng đầu AHK - ông Matthias Schepp cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây thiệt hại cho các công ty châu Âu nhiều hơn là các công ty của Nga. Một nửa kinh phí cho dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc do công ty Gazprom của Nga tài trợ, phần còn lại thuộc trách nhiệm của các đối tác châu Âu, bao gồm: Wintershall và Uniper của Đức, Anglo-Dutch Shell, Engie của Pháp và OMV của Áo.
Bất chấp những căng thẳng ngoại giao nội bộ giữa Đức và Nga, Berlin đã nhiều lần bảo vệ dự án này. Phản ứng của Đức đưa ra trong bối cảnh Hạ viện Mỹ ngày 11/12 đã thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng 2020 (NDAA) trong đó chỉ thị chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án đường ống khí đốt của Nga dưới biển Baltic. Các nghị sĩ Mỹ đều cho rằng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở châu Âu.
Dự luật trên yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 60 ngày phải thảo một báo cáo, trong đó nêu đầy đủ tên của các công ty và cá nhân liên quan đến dự án xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - một đường ống khác từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu.