Đức chỉ trích tình trạng cơ quan cứu trợ LHQ thiếu tài chính

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 1/10 phê phán việc các cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) đang phải chịu trình trạng thiếu trầm trọng nguồn tài chính.


Dòng người tị nạn.

Các cơ quan cứu trợ này hiện đang chịu trách nhiệm phản ứng với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất thế giới trong 70 năm qua.

Theo Ngoại trưởng Steinmeier, các đơn vị như Cơ quan người tị nạn LHQ, Chương trình Lương thực thế giới và Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine đang làm nhiệm vụ giúp đỡ những người gặp khó khăn tại chỗ và trực tiếp không qua trung gian.

Việc các tổ chức này không có đủ hỗ trợ tài chính và buộc phải cắt giảm trợ cấp y tế và thực phẩm là "đáng hổ thẹn". Nhà ngoại giao Đức khẳng định các nước không thể hành động riêng lẻ mà cần có một giải pháp toàn khối về dài hạn, xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng khu vực Địa Trung Hải, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Steinmeier, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng quy mô lớn như hiện nay, tất cả các nước đều cần đoàn kết và kêu gọi châu Âu nói riêng cùng toàn thể các thành viên LHQ hành động chừng mực.

Ngày 29/9, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng một số quốc gia châu Âu và vùng Vịnh cam kết chi 1,8 tỷ USD cho công tác hỗ trợ người tị nạn của LHQ. Trong đó, Đức sẽ đóng góp hơn 100 triệu USD. Số tiền này sẽ được dùng để giúp giảm gánh nặng cho các nước láng giềng của Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan, đang tập trung đông người tị nạn nhất.

Cùng ngày, phát biểu trước Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết Athens đang "làm tất cả những gì có thể", hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế để giúp đỡ những người tị nạn theo cách nhân đạo và hiệu quả nhất có thể.

Hy Lạp đang cải thiện các cơ sở tiếp nhận người di cư cũng như thủ tục chứng minh nhân thân và thúc đẩy công tác tái định cư. Nhà lãnh đạo này cũng chỉ trích hành động mạnh tay của một số nước nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn, khẳng định những động thái này không giúp xây dựng tương lai của châu Âu.

LHQ đang đẩy mạnh nỗ lực trợ giúp 60 triệu người trên khắp thế giới phải rời bỏ nhà cửa vì các cuộc xung đột, con số cao nhất từ cuối Chiến tranh Thế giới II. Riêng Syria, khoảng 4 triệu người bỏ đi lánh nạn mà hàng trăm nghìn trong số đó tìm đường tới châu Âu bất chấp nguy hiểm tính mạng với hành trình vượt biển đầy rủi ro.

Đức đã tiếp nhận 600.000 người tị nạn tính từ đầu năm và mỗi ngày đón thêm khoảng 10.000 người. Trong khi đó, tính riêng năm nay, khoảng 330.000 người, phần lớn từ Syria, Iraq và Afghanistan, đã đến bờ biển Hy Lạp. Con số này vẫn đang tăng trung bình 3.000 người mỗi ngày.

TTXVN/Tin Tức
Hy Lạp mở cửa các nhà thi đấu thể thao cho người di cư
Hy Lạp mở cửa các nhà thi đấu thể thao cho người di cư

Giới chức Hy Lạp ngày 1/10 đã quyết định mở cửa một nhà thi đấu thể thao từng phục vụ Đại hội thể thao Olympic Athens 2004 để làm chỗ ở cho hàng trăm người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN