Theo Reuters, từ khi nguồn cung bị gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, Đức đã thay thế khối lượng khí đốt khổng lồ của Nga thông qua các thỏa thuận với Na Uy, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất châu Âu. Berlin cũng đã đồng ý các thỏa thuận cung cấp với các nhà kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Tuần này, công ty năng lượng quốc doanh Đức Sefe và Equinor của Na Uy đã công bố một thỏa thuận khí đốt trị giá 50 tỷ euro, cung cấp 1/3 lượng khí đốt công nghiệp mà Đức cần.
Thỏa thuận trên củng cố vị thế của Na Uy với tư cách là nhà cung cấp chính cho Đức mà nước này đã nắm giữ kể từ khi tập đoàn Gazprom của Nga đình chỉ giao hàng trực tiếp qua đường ống Nord Stream từ Nga đến Đức vào năm 2022.
Thỏa thuận cũng sẽ nâng tỷ lệ cung cấp khí đốt của Na Uy cho Đức lên khoảng 60%, tương đương với lượng mà Nga từng chiếm.
Tuy nhiên, ông Tobias Federico, nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Brainpool có trụ sở tại Berlin, cho biết các quốc gia ổn định về chính trị như Na Uy vẫn có nguy cơ tạo ra sự phụ thuộc mới.
Theo ông, Đức nên học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và cho rằng LNG có thể tăng cường đa dạng hóa.
Về phần mình, ông Philipp Steinberg, một quan chức tại Bộ Kinh tế Đức, cũng cho biết nước này đang gặp rủi ro do phụ thuộc quá mức. "Sự phụ thuộc của chúng tôi vào Na Uy quá lớn", ông Steinberg lưu ý, nói thêm rằng: "Cuộc khủng hoảng đã dạy chúng tôi phải đa dạng hóa".
Dữ liệu từ văn phòng thống kê của Đức cho thấy, nhập khẩu khí đốt trung bình hàng tháng giảm hơn 1/4 vào năm 2023 so với năm ngoái, khi Nga vẫn giao hàng trong vài tháng, mặc dù ở mức giảm.
Nhưng ngành công nghiệp Đức vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt với vai trò vừa là nguyên liệu vừa là nguồn năng lượng.
Những rủi ro
Nhà phân tích Henning Gloystein của Eurasia Group cho biết quan điểm chính trị chung đã làm giảm rủi ro gián đoạn, nhưng không thể ngăn chặn các vấn đề kỹ thuật liên quan đến quy mô của mạng lưới đường ống giữa Na Uy và Đức.
Nhà phân tích trên nêu ra một số biện pháp bảo vệ cần bắt nguồn từ tăng số lượng đường ống vì nếu một đường ống đóng lại, khí đốt có thể được chuyển sang các đường ống khác.
Tuy nhiên, có những khó khăn trong việc bảo vệ các đường ống chạy trên khoảng cách lớn, nhất là sau các cuộc tấn công không rõ nguyên nhân vào đường ống Nord Stream.
Ngay cả khi không có sự phá hoại, việc bảo trì đã dẫn đến việc ngừng sản xuất ở Na Uy vào đầu năm nay, khiến giá tăng cao. Theo dữ liệu của công ty thông tin vào giao dịch chứng khoán LSEG ở London, lưu lượng khí đốt đi qua đường ống từ Na Uy đến khách hàng châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất một thập kỷ.
LNG cũng có rủi ro. Mặc dù LNG mang lại sự đa dạng hóa, nhưng Đức từ trước đến nay luôn ưa chuộng khí đốt qua đường ống vì các hợp đồng dài hạn có thể khiến nó rẻ hơn LNG, vốn chịu sự biến động của thị trường và các vấn đề vận chuyển liên quan đến chiến tranh.
LNG cũng tương đối tiêu tốn nhiều năng lượng vì nó phải được làm lạnh siêu tốc để vận chuyển và sau đó được tái hóa khí khi đến nơi, làm tăng thêm lượng phát thải carbon.
Đức đã ký các thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với các nhà sản xuất ConocoPhillips của Mỹ và Venture Global LNG cũng như các trạm nhập khẩu khí đốt được ủy quyền.
Tuy nhiên, cùng với Na Uy, nước này đã tìm cách chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn trong tương lai.