Và giờ đây khi buộc phải giảm nhập khẩu, Berlin đang mất dần lợi thế liên quan đến khả năng tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ và sẵn có. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước này.
Đáng lưu ý, Đức là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Pháp – một quốc gia hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) khác - lại phụ thuộc ít hơn nhiều. Đối với nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu, Hà Lan đã nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng phần lớn trong số đó lại được chế biến và xuất khẩu sang các nước khác.
Trước đó, Thủ hiến bang Saxony của Đức Michael Kretschmer nói rằng Berlin nên tránh vội vàng từ bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga, đồng thời ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Theo chuyên gia Kirill Rodionov tại Viện Phát triển Công nghệ trong Tổ hợp Nhiên liệu và Năng lượng, giá cả tăng cao đã trở thành rắc rối lớn đối với các ngành công nghiệp của Đức. Hồi tháng 5, nhà cung cấp dịch vụ thông tin IHS Markit dự đoán tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Đức sẽ chậm lại bằng 0 trong năm 2022 từ mức 4% vào năm 2021.
Cùng lúc đó, nhà chiến lược đầu tư của AriCapital Sergey Suverov tin rằng quyết định từ bỏ năng lượng của Nga có thể khiến Đức phải trả giá đắt. Giá năng lượng tăng cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ hậu cần năng lượng sẽ trở nên đắt đỏ hơn, cũng như đẩy giá xăng dầu phi mã và làm giảm sức mua của người dân Đức.
Dù vậy, chuyên gia trên lưu ý rằng vị trí dẫn đầu về lĩnh vực kinh tế của Đức ở EU không chỉ bắt nguồn từ chi phí năng lượng thấp mà còn nhờ chính sách kiểm soát tiền lương, sản phẩm chất lượng cao cùng đội ngũ lao động có trình độ cao.