Tại cuộc họp các bộ trưởng cấp bang có liên quan, Bộ Kỹ thuật số và vận tải Liên bang Đức do Bộ trưởng Volker Wissing đứng đầu đã từ bỏ quan điểm phản đối đạo luật này, mở đường thông qua đạo luật ở cấp châu Âu.
Cuối tuần qua, nhiều công ty AI, nhà khoa học và ngành sáng tạo đã cảnh báo về sự đổ vỡ của toàn bộ dự án luật này, cho rằng sự thất bại này sẽ là một “thảm họa ngoại giao trên chính trường châu Âu vì sự do dự hoặc phản kháng của Đức”.
Để thông qua đạo luật này, Chính phủ Đức cần sự chấp thuận của tất cả đối tác liên minh. Những người phản đối cho rằng đạo luật đặt ra những rào cản quá mức với các doanh nghiệp trong khi các điều kiện để thực hiện giám sát sinh trắc học lại quá thấp khiến các quốc gia có thể sử dụng để hạn chế quyền công dân.
Tháng 12/2023, Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia EU đã nhất trí về Đạo luật AI - quy định toàn diện về AI đầu tiên trên thế giới. Nhưng đạo luật này vẫn cần Hội đồng châu Âu và EP chính thức thông qua.
Chuyên gia pháp lý AI, ông Philipp Hacker nhận định việc Đức thông qua luật AI châu Âu là một tín hiệu quan trọng và tích cực. Ông nhấn mạnh các công ty cần sự chắc chắn về mặt pháp lý để lập kế hoạch, trong khi công dân cần được bảo vệ các quyền cơ bản. Ông khẳng định: “Tất cả những điều này được Đạo luật AI đảm bảo tốt hơn là không có luật, kể cả có những bất cập”.