Từ “coronamüde” (phát chán vì COVID-19) đến “coronafrisur” (kiểu tóc giống virus Corona), Viện Ngôn ngữ Đức Leibniz ghi nhận một số lượng lớn từ mới phát sinh vào cuối năm 2020 trong bối cảnh ngôn ngữ cũng chạy đua để theo kịp với những đổi thay do đại dịch gây ra.
Tờ Guardian đưa tin danh sách trên bao gồm hơn 1.200 từ tiếng Đức mới, gấp nhiều lần mức trung bình 200 từ mỗi năm. Những từ ngữ mới này thường biểu đạt các cảm xúc mà nhiều người gặp phải, chẳng hạn “overzoomed” (bị căng thẳng vì có quá nhiều cuộc gọi video), “coronaangst” (lo âu vì virus) và “impfneid” (đố kị với người đã tiêm vaccine).
Một số từ lại tiết lộ thực trạng lạ lùng của cuộc sống trong các biện pháp giới hạn: “kuschelkontakt” (tiếp xúc thân mật với người không cùng gia đình trong thời gian phong tỏa) hay “abstandsbier” (uống bia với bạn bè ở khoảng cách an toàn”.
Nhóm chuyên gia tại viện Leibniz đã thu thập từ ngữ được sử dụng trên báo chí, mạng xã hội và mạng Internet, sau đó theo dõi chúng. Những từ nào được sử dụng thường xuyên hơn cả sẽ được bổ sung vào từ điển.
Là một trong ba thành viên làm nhiệm vụ chọn lọc từ mới, Tiến sĩ Christine Mohrs cho biết dự án này chính là câu chuyện kể về đời sống của người dân giữa đại dịch.
Bà Mohrs nói: “Khi thứ gì đó mới mẻ xảy ra trên thế giới, chúng ta sẽ tìm kiếm một cái tên. Những thứ không có tên gọi sẽ khiến mọi người cảm thấy sợ hãi và bất an. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể gọi tên chúng, chúng ta có thể giao tiếp với nhau. Đặc biệt vào các giai đoạn khủng hoảng, điều này rất quan trọng”.
Không ít từ còn thể hiện những khoảnh khắc cụ thể xảy ra thời dịch bệnh. Ví dụ, “balkonsänger” là người hát cho người khác nghe từ ban công nhà họ. “Hamsteriti” là tử chỉ nhu cầu khẩn cấp tích trữ thức ăn. “Todesküsschen”(nụ hôn tử thần) là từ ngữ đáng sợ dành cho một nụ hôn thân thiện vào má.
Sau nhiều tháng trôi qua, dự án này còn phát hiện các từ mới chỉ sự thất vọng của người dân về những người không tuân thủ quy tắc. “Covidiot”, một thuật ngữ được dùng ở Anh, cũng xuất hiện trong danh sách trên. Cụ thể hơn là “maskentrottel” để mô tả người đeo khẩu trang nhưng lại để hở mũi.
Có những từ lại phản ánh sự gắn kết và tính cộng đồng. Ví dụ, “einkaufshelfer” được dùng để miêu tả người nào đó giúp đỡ người khác việc mua sắm.
Bà Mohrs cho biết “CoronaFußgruß” là từ ngữ bà đặc biệt yêu thích bởi tính vần điệu và ý nghĩa của nó. Từ này dùng để chỉ niềm mong muốn được kết nối của con người, bất chấp khoảng cách bị giới hạn.
Những người học và nói tiếng Đức sẽ biết ngôn ngữ này thường ghép các từ ngữ lại để tạo thành từ mới, chẳng hạn như “handschuhe” (tay, giày) để chỉ găng tay. Mặc dù một số bản dịch theo nghĩa đen có thể khiến người học cảm thấy hài hước, nhưng tiếng Đức cũng có cách riêng để mô tả ngắn gọn một số cảm xúc phức tạp của con người. Các ví dụ nổi tiếng nhất bao gồm “weltschmer” (tình trạng buồn chán xảy ra khắp thế giới), “zeitgeist” (tinh thần của thời đại) và “schadenfreude” (niềm vui thú khi thấy người khác gặp điều không may).
Tiến sĩ Christine Mohrs cho biết dự án của Viện Leibniz cho thấy cách chúng ta chọn lựa từ ngữ quan trọng đến mức nào. “Ngôn ngữ có sức mạnh to lớn. Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến tầm quan trọng của việc xây dựng chính xác và cẩn thận về các từ ngữ được sử dụng. Lời nói không chỉ truyền tải nội dung mà còn có thể truyền tải cảm xúc, tình cảm. Và các diễn giả nên nhận thức được điều đó”, bà kết luận.