Thay vì các biện pháp khẩn cấp này, các bên đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa đông này.
Theo đó, chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng ngoài quy định “3G” (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Một số bang chỉ chấp nhận quy định “2G”.
Ngoài những quy định trên, chính quyền các bang cũng có quyền yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu ở các không gian công cộng trong nhà, cũng như xử lý thông tin điều tra dịch tễ của khách hàng, các quy định xét nghiệm hay đeo khẩu trang trong trường học.
Bên cạnh đó, các bên đang thảo luận khả năng kéo dài chương trình phúc lợi được điều chỉnh đối với trẻ em đến năm 2022. Theo đó, các bậc cha mẹ có thể được nghỉ chế độ con ốm tới 30 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây và lên tới 60 ngày đối với cha mẹ đơn thân.
Các bên cũng đề xuất kế hoạch tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang bị chững lại. Tính đến ngày 27/10, mới gần 2/3 (khoảng 66,4%) dân số Đức đã hoàn thành việc tiêm chủng và gần 70% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Đức ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên từ ngày 28/3/2020 và kéo dài liên tục gần 19 tháng qua. Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Quốc hội liên bang đã gia hạn tình trạng này thêm 3 tháng. Quy định sẽ tự động hết hiệu lực nếu chính phủ không kiến nghị quốc hội tiếp tục gia hạn. Tuy nhiên, theo Luật phòng, chống lây nhiễm trên, các bang vẫn có quyền xác định có cần áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch nữa hay không thông qua cơ quan lập pháp bang của mình. Vì vậy việc “tình trạng khẩn cấp” tự động hết hạn, không có nghĩa là kết thúc các biện pháp phòng, chống dịch.