Các hội nghị này gồm Diễn đàn kinh tế Đức - Ukraine và Hội nghị chuyên gia quốc tế về phục hồi và tái thiết Ukraine. Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal tham dự các hội nghị này và Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại Hội nghị chuyên gia quốc tế về phục hồi và tái thiết Ukraine, với tư cách Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hiện nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ Đức sẽ tập trung thảo luận các phương pháp tái thiết bền vững chứ không chỉ các cam kết tài chính.
Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 25/10, ông Scholz nhấn mạnh sự kiện này không chỉ là một hội nghị các nhà tài trợ thông thường, mà còn có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện của các chính phủ và tổ chức quốc tế thảo luận về các công cụ bền vững để tái thiết Ukraine, chứ không chỉ đưa ra các cam kết tài chính.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng "thế giới không nên lãng phí thời gian mà cần phải nhanh chóng hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước". Theo bà, một nền tảng quốc tế điều phối công tác tái thiết Ukraine cần được triển khai “sớm nhất có thể, tốt nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm sau”.
Phát biểu tại hội nghị qua kết nối video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ngân sách nước này năm 2023 thiếu tỷ USD và kêu gọi quốc tế hỗ trợ bù đắp khoản thiếu hụt này, nhấn mạnh sự hỗ trợ này là rất cần thiết để Ukraine phục hồi.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng nhấn mạnh hỗ trợ tài chính nói trên là cấp thiết để "cứu người dân thoát khỏi thảm họa nhân đạo".
Trước đó, ngày 24/10, Diễn đàn kinh tế Đức - Ukraine đã được tổ chức tại Berlin. Tại diễn đàn, Thủ tướng Đức cùng Chủ tịch EC đã kêu gọi một chiến lược tái thiết Ukraine sau khi kết thúc xung đột, cho rằng đây là "nhiệm vụ mang tính thế hệ" và phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
Thủ tướng Scholz và Chủ tịch EC Von der Leyen kêu gọi thực hiện sáng kiến được hai nhà lãnh đạo này mô tả là “Kế hoạch Marshall mới” để tái thiết Ukraine. Kế hoạch Marshall trước đây là sáng kiến của Mỹ nhằm giúp tái thiết các nền kinh tế Tây Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Theo số liệu thống kê của Viện kinh tế thế giới Kiel, trong vòng 8 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 10/2022, EU cùng Mỹ và các quốc gia khác, trong đó có Anh và Canada, đã cam kết 92 tỷ USD (93 tỷ euro) viện trợ nhân đạo, vũ khí và cả các khoản vay cho Chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính giảm 30 - 35% trong năm nay, Ukraine đang chật vật khắc phục hậu quả của cuộc xung đột, chưa nói đến việc đáp ứng các cam kết nợ hoặc tái thiết đất nước.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB), EC và Chính phủ Ukraine ước tính tổng thiệt hại đối với nước này tính đến ngày 1/6 là hơn 252 tỷ USD, với nhu cầu tái thiết và phục hồi ước tính là 348,5 tỷ USD.