Theo các nguồn thạo tin, tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO diễn ra ngày 14/2 ở Brussels (Bỉ), giới chức Đức thông báo với các đồng minh rằng Berlin sẽ cho phép NATO sử dụng các năng lực mạng của nước này, trong đó có các kỹ năng tấn công mạng.
Trước đó, Mỹ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Estonia đều đã cho phép liên minh quân sự này sử dụng các vũ khí mạng tấn công của họ, với hy vọng điều này có thể răn đe những nước gây chiến tranh điện tử trong tương lai.
Cũng như các nguồn lực quân sự khác như xe tăng và máy bay phản lực, các nước thành viên NATO có quyền kiểm soát khả năng phòng thủ mạng của mình và chỉ cung cấp vũ khí tấn công mạng cho khối này khi được yêu cầu tham gia các sứ mệnh và chiến dịch.
Trong những năm qua, NATO đã chú trọng hơn tới vấn đề phòng thủ mạng. Tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Vácsava (Ba Lan) năm 2016, NATO coi không gian mạng là một mặt trận, khẳng định một cuộc tấn công được thực hiện trên máy tính nhằm vào một nước đồng minh sẽ dẫn tới động thái đáp trả của khối theo đúng cam kết của NATO bảo vệ các nước đồng minh. NATO cũng cảnh báo các cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở nên tinh vi, thường xuyên hơn và gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.