Trước đó, các lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính đã bỏ qua tối hậu thư của ECOWAS về thời hạn nói trên, bất chấp lời cảnh báo sẽ tiến hành can thiệp vũ trang nếu thời hạn chót này bị bỏ lỡ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao của ECOWAS, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên giải pháp thay thế các hình thức can thiệp quân sự. Trước đó, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cũng bày tỏ quan điểm tương tự và kêu gọi ECOWAS gia hạn thời hạn chót đối với việc phục chức cho Tổng thống Bazoum.
Trong khi đó, ECOWAS thông báo sẽ tổ chức hội nghị vào ngày 10/8 tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Niger. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của khối 15 thành viên kể từ khi các lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính tại Niger bỏ qua tối hậu thư về việc phục chức Tổng thống Bazoum. Hội nghị dự kiến diễn ra tại thủ đô Abuja, Nigeria. Trước đó, một nguồn tin của ECOWAS các quốc gia Tây Phi không dự tính can thiệp quân sự với Niger ngay lập tức vào giai đoạn này.
Hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso cũng thông báo đã cử phái đoàn chung tới thủ đô Niamey của Niger để thể hiện đoàn kết với quốc gia này. Trước đó, hai nước này tuyên bố coi bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào nhằm chống lại chính quyền quân sự Niger sẽ bị coi là “lời tuyên chiến” với hai nước.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết họ đang liên hệ với các công dân nước này ở Niger để cập nhật tình hình.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, hiện Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ chưa có kế hoạch hồi hương những người còn mắc kẹt ở quốc gia châu Phi này, song đã cung cấp thông tin và đưa ra khuyến nghị cần thiết để đảm bảo an toàn cho họ. Hiện còn khoảng 20 người Thụy Sĩ đang ở Niger. Trước đó, 13 công dân nước này đã rời Niger trong ngày 6/8.
Tương tự, Đại sứ quán Trung Quốc tại Niger cũng khuyến cáo công dân Trung Quốc ở Niger nên rời sang nước thứ ba hoặc trở về nhà để lưu trú tạm thời nếu không có lý do gì để ở lại quốc gia Tây Phi này. Cơ quan này cũng khuyến nghị công dân Trung Quốc hạn chế di chuyển tới Niger trong trường hợp không thật sự cần thiết.
Trong một diễn biến liên quan, các hãng hàng không của Thụy Sĩ thông báo điều chỉnh lộ trình bay do Niger đóng cửa không phận. Các hành khách bị ảnh hưởng có thể đặt vé lại để tìm các tuyến đường bay phù hợp
Ngày 26/7 vừa qua, các binh sĩ ở Niger đã lật đổ Tổng thống dân bầu Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Niger là quốc gia giàu trữ lượng uranium và dầu mỏ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đóng vai trò địa chiến lược đối với các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga. Sự leo thang căng thẳng giữa Niger với ECOWAS đang làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn tại khu vực nghèo nhất thế giới, nơi đang đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng cũng như các cuộc xung đột vũ trang, vốn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.