Trả lời phỏng vấn báo Hình ảnh (Bild) của Đức ngày 17/9 trong hành trình tới thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Gabriel cho rằng trong cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay, đặc biệt sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng, 3 cường quốc thế giới gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc cần ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại trực tiếp với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông cho rằng cần phải có "tầm nhìn và những bước đi dũng cảm" giống như chính sách xoa dịu căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh, trong đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cần phải có được một "sự đảm bảo khác về an ninh thay vì bom nguyên tử".
Nhà ngoại giao Đức cũng hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đối với Bình Nhưỡng, song cho rằng các biện pháp trừng phạt cần phải có thời gian để phát huy hiệu quả, giống như trường hợp Iran. Trước đó, ông Gabriel khẳng định giải pháp quân sự không phải là lời giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi Trung Quốc gây sức ép lớn hơn với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Cũng liên quan vấn đề Triều Tiên, báo Bưu điện Washington cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 đã đưa ra thêm những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Triều Tiên, đồng thời cảnh báo không còn nhiều thời gian cho một giải pháp hòa bình giữa Triều Tiên với Mỹ và các đồng minh. Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước đã lên tiếng hoài nghi khả năng những biện pháp trừng phạt mới của LHQ sẽ tác động đáng kể tới tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo các nguồn tin Nhà Trắng, dự kiến ông Trump sẽ có các cuộc gặp chung với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 21/9 tới tại New York, bên lề các cuộc họp của LHQ, để thảo luận về Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho không tham dự hội nghị thường niên này.