Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn tuyên bố của Bộ Bảo vệ người tiêu dùng bang Brandenburg cho biết chính quyền mỗi địa phương thuộc bang này sẽ quyết định vị trí chính xác lắp đặt các hàng rào điện. Quyết định trên được đưa ra sau khi Ba Lan phát hiện một con lợn rừng bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi ở khu vực cách biên giới giữa Đức và Ba Lan khoảng 40 km. Bộ Nông nghiệp và Lương thực Đức đã nhanh chóng triển khai một chiến dịch thông tin tới người dân bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó kêu gọi mọi người không vứt bỏ thức ăn thừa ở các khu vực biên giới. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng sẽ siết chặt các quy định về đi lại tại những khu vực bị ảnh hưởng cũng như nới lỏng qua định săn bắn để giảm số lượng lợn rừng nhằm tránh lây lan virus.
Hiện nhiều bang ở Đức cũng đã đặt mua các hàng rào điện để bảo vệ và ngăn chặn sự lây lan của bệnh tả lợn châu Phi. Trước đó, Đan Mạch đã hoàn thành xong hàng rào bảo vệ vĩnh viễn dọc biên giới với Đức sau 10 tháng lắp đặt. Hàng rào cao 1,5 m, chạy dài gần 70 km từ khu vực Biển Baltic đến Biển Bắc.
Bệnh tả lợn châu Phi có nguồn gốc ở Nam Phi và xuất hiện ở châu Âu vào những năm 1960. Từ năm 2014, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở các nước Tây Âu, bắt nguồn từ những con lợn rừng được đưa vào các khu rừng ở Bỉ để phục vụ mục đích săn bắn. Khả năng lây lan nhanh của virus gây bệnh được thể hiện qua tốc độ lây lan từ Trung Quốc sang các nước khác trong năm 2018, như Mông Cổ, bán đảo Triều Tiên, các nước ở Đông Nam Á và Timor Leste.
Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bệnh tả lợn hiện không thể gây bệnh ở người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho người do có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa.