Một nguồn tin Chính phủ Đức nêu rõ những thay đổi này không áp dụng đối với những người đến từ khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 hoặc khu vực xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2. Việc nới lỏng quy định cách ly chỉ áp dụng với những người tiêm một trong những loại vaccine được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Trước đó, từ ngày 9/5, Đức đã nới lỏng một số hạn chế đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 (gần 8 triệu người) hoặc đã khỏi bệnh, sau khi luật Phòng chống lây nhiễm sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, những người này không còn bị ràng buộc với lệnh giới nghiêm, những hạn chế về tiếp xúc xã hội và khi tới các tiệm làm tóc hay mua hàng theo lịch hẹn không cần phải làm xét nghiệm trước. Tuy vậy, các đối tượng được hưởng những nới lỏng vẫn phải tuân thủ quy định về đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách.
Cùng ngày, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron về việc áp dụng “thẻ thông hành y tế” đối với những người được chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, người gần đây xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc người đã bình phục sau khi mắc COVID-19.
Quốc hội Pháp thông qua đề xuất này với tỷ lệ 208 phiếu thuận và 85 phiếu chống. Những người có "thẻ thông hành y tế" sẽ được phép tham gia các sự kiện thể thao hoặc các sự kiện tập trung đông người, nhưng không được phép vào nhà hàng, cửa hiệu hoặc rạp chiếu phim.
Trước đó, trong lần bỏ phiếu đầu tiên, các nghị sĩ Pháp đã bác bỏ đề xuất vì cho rằng việc sử dụng thẻ thông hành như vậy là phân biệt đối xử với những người chưa tiêm vaccine.
Hiện đã có khoảng 18,5 triệu người Pháp tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa COVID-19, chiếm khoảng hơn 35% dân số nước này.