Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tại cuộc họp báo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong tuyên bố ngày 28/7, Ngoại trưởng Gabriel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gây sức ép kinh tế với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, song nêu rõ "dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận việc Mỹ áp đặt trừng phạt theo đặc quyền ngoại giao đối với các công ty châu Âu".
Ông khẳng định chính sách trừng phạt là công cụ vừa không phù hợp, vừa không thỏa đáng để đạt được lợi ích xuất khẩu quốc gia và lĩnh vực năng lượng trong nước.
Trước đó, các quốc gia châu Âu đã chỉ trích Washington về ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt mới này, cho rằng chúng có thể gây phương hại tới các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu.
Các nước châu Âu cho rằng Mỹ có thể lợi dụng các biện pháp trừng phạt để đẩy nguồn cung khí đốt của Nga ra khỏi khu vực này và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu năng lượng của Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo sẽ nhanh chóng đáp trả nếu Mỹ thúc đẩy trừng phạt mà không tính tới những quan ngại của khối.
Đức đã đưa ra cảnh báo trên sau khi Thượng viện Mỹ ngày 27/7 đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa có biện pháp trả đũa.
Đây là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Trump.