Trong khi đó, Berlin đã đưa bang Tirol (Áo) cũng như CH Séc và Slovakia ra khỏi danh sách các Khu vực biến thể bùng phát, đồng nghĩa với việc phần lớn các hạn chế với người nhập cảnh Đức từ những nơi này sẽ được dỡ bỏ.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 ở Pháp trong vài tuần qua ngày càng nghiêm trọng, giới chức nước này nghi nhận mỗi ngày có tới 30.000 ca nhiễm mới, trong khi các bệnh viện ở nhiều khu vực hầu như quá tải. Do số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày/100.000 dân vượt ngưỡng 300, cao hơn mức giới hạn mà Đức đặt ra là 200, nên Đức đã xếp Pháp vào danh sách Khu vực chỉ số lây nhiễm cao.
Theo đó, mọi người từ Pháp muốn nhập cảnh Đức phải có chứng nhận đã xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính. Những trường hợp phải đi làm thường xuyên qua biên giới hai nước cũng phải tuân thủ những quy định kiểm dịch nghiêm nghiêm ngặt.
Trước đó, từ đầu tháng 3 vừa qua, Đức cũng đã xếp khu vực biên giới Moselle của Pháp là Khu vực biến thể bùng phát và người dân từ khu vực này trước khi sang Đức đã phải làm xét nghiệm. Tuy nhiên, Đức không có kế hoạch áp đặt kiểm soát biên giới cố định với Pháp mà sẽ kiểm tra ngẫu nhiên tại khu vực giáp giới giữa hai nước, khác với việc lập chốt kiểm tra cố định ở khu vực giáp với bang Tirol và CH Séc theo yêu cầu của các bang biên giới của Đức (bang Bayern và Sachsen).
Theo quyết định mới, kể từ ngày 28/3, bang Tirol sẽ chỉ còn nằm trong danh sách Khu vực có nguy cơ với COVID-19, trong khi CH Séc và Slovakia vẫn thuộc Khu vực chỉ số lây nhiễm cao.
Trong ngày 26/3, các cơ quan y tế Đức ghi nhận có thêm 21.942 ca nhiễm mới và 186 ca tử vong, trong khi số ca hiện mắc COVID-19 lần đầu tiên vượt mức 200.000 ca kể từ ngày 3/2. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cảnh báo hệ thống y tế ở nước này có thể tới hạn trong tháng tới khi số ca mắc các biến thể mới đang gia tăng đột biến.
Cùng ngày 26/3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng vaccine của công ty BioNTech sản xuất tại nhà máy mới ở thành phố Marburg, thuộc bang Hessen của Đức, nơi dự kiến có năng lực sản xuất tới 250 triệu liều vaccine cho tới giữa năm nay. Khi toàn bộ nhà máy được hoàn thiện, năng lực sản xuất mỗi năm sẽ lên tới 1 tỷ liều và đây là một trong số cơ sở sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA lớn nhất thế giới. Dự kiến, trong vài ngày tới, vaccine BioNTech tại nhà máy Marburg sẽ được vận chuyển tới Bỉ để đóng lon.
Liên quan kế hoạch yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh Đức bằng đường hàng không, Bộ trưởng Spahn ngày 26/3 thông báo tiếp tục lùi một ngày thời hạn áp dụng quy định này, theo đó bắt đầu từ đêm 29/3, tất cả các trường hợp nhập cảnh Đức qua đường hàng không đều phải chứng minh đã có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành tới nước này. Hiện Đức đã hoàn tất tiêm chủng.