Hình ảnh những đám mây hơi nước màu trắng bốc lên từ các lò phản ứng của các nhà máy hạt nhân Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland sẽ sớm trở thành ký ức đối với nhiều người Đức. Trong khi nhiều nước phương Tây thúc đẩy năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu kiên quyết theo đuổi kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân.
Từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Đến năm 2011, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel, kế hoạch này được thúc đẩy sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần gây ra sự cố hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản. Vào thời điểm đó, bà Merkel cho rằng không thể kiểm soát một cách an toàn những rủi ro từ năng lượng hạt nhân, ngay cả với một quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân của Đức gây nhiều tranh cãi sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ liên quan cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 2/2022, khiến Đức rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Theo kế hoạch ban đầu, 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức đóng cửa vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trước sự phản đối của dư luận, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ của các nhà máy này đến ngày 15/4. Kể từ năm 2003, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân.
Năm 2022, các nhà máy hạt nhân Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland đáp ứng 6% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức, so với mức đóng góp 30,8% từ tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm 1997. Trong khi đó, năng lượng tái tạo của Đức chiếm tỷ trọng 46%, tăng từ mức dưới 25% một thập niên trước.
Giới chuyên gia cho rằng với tốc độ thúc đẩy năng lượng tái tạo hiện tại, Đức khó có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng xanh. Chuyên gia Georg Zachmann tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels (Bỉ) nhận định những mục tiêu của Đức sẽ khả thi hơn nếu nước này không loại bỏ năng lượng hạt nhân.
Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - một trong 3 đảng trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức, ngày 9/4 cho rằng kế hoạch đưa các nhà máy hạt nhân cuối cùng ra khỏi lưới điện từ tuần tới là quá sớm. FDP muốn duy trì các nhà máy ở chế độ "chờ" một thời gian để có thể nhanh chóng kích hoạt lại trong trường hợp cần thiết.