Bộ Nội vụ Đức cho biết bắt đầu từ ngày 25/6, các công dân ngoài EU có thể nhập cảnh Đức bất kỳ vì mục đich gì, bao gồm du lịch hoặc đi học. Du khách sẽ phải được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh Đức bằng một loại vaccine được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép. Tuy nhiên, du khách đến từ những quốc gia có virus SARS-CoV-2 và các biến thể lây lan mạnh vẫn không được nhập cảnh Đức.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Đức đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Ở thời điểm hiện tại, chỉ những người có lý do đặc biệt mới được phép nhập cảnh Đức.
Liên quan vaccine ngừa COVID-19, ngày 17/6, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada khuyến nghị những người đã tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên nên tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna mũi thứ hai.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trước đây, NACI cho rằng những người tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên có thể tiếp tục chọn loại vaccine này hoặc một vaccine sử dụng công nghệ mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) cho mũi tiêm thứ hai.
Hướng dẫn ngày 17/6 của NACI dựa trên cơ sở ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mũi tiêm thứ hai sử dụng vaccine mRNA tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Một lý do nữa là nguy cơ xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca, mặc dù nguy cơ thấp.
NACI cũng nhấn mạnh những người đã tiêm đủ liêu 2 mũi vaccine của AstraZeneca có thể yên tâm rằng vaccine này cung cấp khả năng bảo vệ tốt phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh cũng như nguy cơ bị biến chứng nặng khi nhiễm bệnh và nguy cơ phải nhập viện điều trị.
Tính đến ngày 5/6, khoảng 2,1 triệu người Canada đã được tiêm một mũi vaccine của AstraZeneca và 15.186 người đã được tiêm đủ liều 2 mũi.
Tính đến ngày 17/6, ít nhất 5.960.578 người Canada, tương đương 15,7% dân số nước này, đã được tiêm phòng đủ liều 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Canada hiện đứng thứ 3 trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) về tỷ lệ tiêm chủng, với 79,27 liều/100 dân.