Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo trên, Bộ trưởng Seehofer cho rằng nếu luật pháp không thể hiện được rõ chức năng và tính thượng tôn của mình, người dân sẽ mất lòng tin vào toàn bộ bộ máy chính phủ, đặc biệt là kiểm soát người nhập cư. Ông tuyên bố muốn lập thêm nhiều trạm kiểm soát biên giới trên các tuyến đường nối các vùng ngoại ô cũng như cho phép cảnh sát triển khai và mở rộng thêm hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên để có thể phát hiện các trường hợp nhập cư bất hợp pháp vào Đức. Cụ thể, cảnh sát được quyền chặn và kiểm tra "đột xuất" bất kỳ người nào mà không cần một lý do cụ thể. Ngoài ra, những đối tượng cố tình vượt qua biên giới bất chấp lệnh cấm nhập cảnh cũng sẽ bị từ chối ngay lập tức. Theo luật pháp Đức, những người nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này có thể sẽ bị kết án 3 năm tù.
Tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Seehofer cũng đã thông báo công tác tăng cường kiểm soát khu vực biên giới với Áo tiếp tục được gia hạn tới nửa đầu năm 2020 nhằm đảm bảo an ninh. Đức đã trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng phát hồi năm 2015. Vào thời điểm đó, Đức và một số quốc gia thuộc Khu vực đi lại tự do Schengen đã áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới khẩn cấp sau khi hơn 1 triệu người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu.
Trong những năm qua, mặc dù số người tị nạn tới Đức đã giảm mạnh, song nước này vẫn tiếp nhận khoảng 11.000 người xin tị nạn mới mỗi tháng. Theo thống kê, Đức hiện có tỷ lệ người nhập cư cao nhất trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), chiếm 12% dân số nước này.