Đức lâu nay luôn là bên phản đối mạnh nhất việc Liên minh châu Âu (EU) áp trừng phạt dầu mỏ, khí đốt nhập khẩu từ Nga. Nhưng tình thế đã thay đổi. Berlin đã sẵn sàng cho kịch bản ngừng mua dầu của Nga, mở đường để EU đạt đồng thuận về trừng phạt dầu thô nhập khẩu từ Nga.
Theo hai quan chức trong chính quyền Đức, các đại diện của Berlin tại các thiết chế trong EU đã dỡ quan điểm phản đối áp cấm vận dầu thô toàn diện chống Nga, với điều kiện Đức cần có thêm thời gian để tiếp cận nguồn cung thay thế. Thay đổi quan điểm này làm tăng khả năng đạt đồng thuận trong EU về trừng phạt dầu thô nhập khẩu từ Nga theo từng giai đoạn, với một quyết định có thể được công bố vào tuần tới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh đang được đàm phán trong nội bộ EU để đạt thống nhất quan điểm. Đó là khoảng thời gian cần thiết để EU chấm dứt mua dầu của Nga, khả năng EU phải sử dụng đến các biện pháp như áp giá trần hoặc áp thuế nhập khẩu đối với dầu thô Nga. Mỹ đang gây sức ép với các đồng minh châu Âu, tránh các bước đi có thể dẫn đến đà leo thang kéo dài của giá dầu.
Thảo luận trong EU về lệnh trừng phạt dầu thô chống Nga đã có những bước tiến lớn trong vài ngày gần đây, khi Đức và một số thành viên trong khối tiến hành nhiều bước đi thực chất nhằm thay thế dầu thô Nga bằng các nguồn cung khác. Theo giới ngoại giao châu Âu, nhiều nước trong EU vẫn giữ thái độ thận trọng về tác động kinh tế từ lệnh trừng phạt, nổi bật là Hungary, Italy, Áo và Hy Lạp.
Quan chức cấp cao các nước thành viên EU đã có cuộc thảo luận kéo dài trong ngày 27/4 về lệnh trừng phạt dầu thô nhằm vào Nga. Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, sẽ tiếp tục tham vấn với các nước trong vài ngày tới, trước khi đệ trình đề xuất lên lãnh đạo EU, sớm nhất là trong tuần tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tuần trước cảnh báo một lệnh cấm vận triệt để của EU nhằm vào dầu thô xuất khẩu từ Nga có thể sẽ đẩy giá dầu trên thị trường thế giới tăng vọt, gây tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu vốn đang trong trạng thái mong manh. Nhưng biện pháp này lại không làm Nga thiệt hại như mong đợi của Mỹ và EU, bởi Moskva được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, bù đắp cho sản lượng xuất khẩu có thể bị giảm.
Theo số liệu thống kê của tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ), trung bình EU nhập khẩu khoảng 3-3,5 triệu thùng dầu/ngày từ Nga, với khoản tiền thanh toán xấp xỉ 400 triệu USD/ngày, tương đương với 27% tổng dầu thô nhập khẩu của EU. Về phía Nga, doanh thu từ bán dầu mỏ, khí đốt tạo ra khoảng 45% ngân sách cho Nga trong năm 2021.
Khi thiết kế đề xuất vòng trừng phạt tới đây nhằm vào Nga, giới chức EU sẽ phải cân nhắc việc cho một số nhà máy lọc dầu trong khối thêm thời gian để thích ứng với nguồn dầu thô không phải của Nga. EU cũng thừa nhận rằng với những nước không có biển như Hungary – vốn nhận dầu của Nga qua đường ống, việc xoay sở với lệnh trừng phạt sẽ phức tạp hơn.
EU đang xem xét các lựa chọn kết hợp giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga theo giai đoạn với các biện pháp tức thời hơn để tự hạn chế nhu cầu, giảm chi trả tiền mua dầu cho Moskva, như việc áp giá trần, áp thuế nhập khẩu, khiến dầu thô Nga kém hấp dẫn. “Chúng tôi đang xem xét tất cả các khía cạnh. Mục đích là gây tổn thất lớn nhất cho Nga nhưng EU chỉ thiệt hại ở mức tối thiểu”, một quan chức cấp cao của EU chia sẻ.
Dù đã ngả sang hướng ủng hộ cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga theo giai đoạn, Đức vẫn còn nghi ngại về giải pháp áp giá trần, áp thuế nhập khẩu cũng như đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen về thanh toán hợp đồng mua dầu thô của Nga thông qua tài khoản ủy thác.
Giới chức EU cho biết Đức thay đổi cách tiếp cận với Nga sau khi Berlin đạt thỏa thuận với Ba Lan về tạo điều kiện cho Đức nhập khẩu dầu từ các nhà cung ứng toàn cầu thông qua cảng Gdansk (Ba Lan) trên biển Baltic.
Cảng này nằm sát nhà máy PCK ở Schwedt (Đức) - cơ sở lọc dầu do tập đoàn Rosneft (Nga) sở hữu và nhận dầu thô từ Nga qua tuyến đường ống Druzhba. Dầu thô cập cảng Gdansk từ các tàu chở dầu cỡ lớn có thể được vận chuyển tức thời qua tuyến đường ống do Ba Lan vận hành riêng, tới nhà máy lọc dầu Schwedt.