Một số quy định được thông qua, bao gồm áp đặt hạn chế tiếp xúc đối với những người chưa tiêm chủng. Cụ thể, hộ gia đình có người chưa tiêm chủng chỉ được phép gặp thêm tối đa 2 người của một hộ gia đình khác, không tính trẻ dưới 14 tuổi. Mở rộng quy tắc 2G (đã tiêm, đã khỏi bệnh) trên toàn quốc không phụ thuộc vào chỉ số lây nhiễm. Việc tiêm chủng bắt buộc sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định để có thể sớm được áp dụng từ tháng 2/2022 và Hội đồng đạo đức sẽ ra khuyến nghị về việc này trước cuối năm nay. Việc tiêm đủ 2 mũi sẽ không được công nhận lâu dài và sẽ được xem xét lại phù hợp với tình hình tiêm chủng cũng như tình hình vaccine ở Đức. Tại châu Âu, thời hạn công nhận một người được tiêm đủ đang được thảo luận, có thể chỉ là 9 tháng sau mũi thứ 2, do vậy người dân cần tiêm mũi tăng cường do lượng kháng thể bắt đầu giảm sau tháng thứ 5.
Việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên làm việc ở các cơ sở nhạy cảm, như nhà dưỡng lão và bệnh viện, sẽ được sớm thực hiện. Chính phủ mong muốn từ nay tới trước Giáng sinh có thể tiêm cho khoảng 30 triệu người, trong đó bao gồm cả mũi một, mũi hai và mũi tăng cường. Đội ngũ bác sĩ tiêm chủng cũng sẽ được mở rộng để thực hiện chiến dịch này. Các câu lạc bộ và vũ trường sẽ phải đóng cửa khi chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân chạm mức 350. Khi chỉ số này vượt 350, các khu vực phải giảm tất cả các tiếp xúc, trong đó giới hạn các buổi tiệc tùng cá nhân với những người đã tiêm và đã khỏi ở mức 50 người trong không gian kín và 200 người ở ngoài trời. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại trường học.
Ngoài ra, trong đêm Giao thừa cũng sẽ cấm tụ tập đông người, cấm đốt pháo ở nơi công cộng (theo quy định của các địa phương). Việc bán pháo trước Tết cũng bị cấm và không khuyến khích việc đốt pháo nhằm giảm tải cho hệ thống bệnh viện.Phát biểu tại họp báo, Phó Thủ tướng Olaf Scholz, người sẽ là Thủ tướng tương lai của Đức, cho biết mục tiêu tiêm 30 triệu liều tới dịp Giáng sinh là thách thức rất to lớn về mặt hậu cầu. Ông kêu gọi tất cả mọi người nên đi tiêm chủng cũng như tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, theo Thủ tướng Angela Merkel, quyết định tiêm chủng bắt buộc nói chung sẽ được thảo luận và quyết định tại Quốc hội Đức. Theo bà Merkel, tiêm phòng là cách thoát khỏi đại dịch và đây là lý do các cấp chính quyền Đức phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp phù hợp để phòng ngừa dịch bệnh.