Đức thừa nhận khó khăn trong việc chọn lãnh đạo EC 

Mặc dù khẳng định Berlin vẫn hoàn toàn ủng hộ cơ chế "ứng cử viên hàng đầu" trong việc lựa chọn người đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), song Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phải thừa nhận rằng điều này sẽ gặp nhiều khó khăn khi Nghị viện châu Âu (EP) quá "rời rạc" và nhiều bất đồng.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Berlin luôn có trách nhiệm với châu Âu. Bà hy vọng Đức và EP có thể đi đến một giải pháp mang lại hiệu quả cho châu Âu mà không cần phải loại bỏ cơ chế trên. Nhưng để làm được điều đó, hai bên cần có các động thái và nỗ lực chung. 

Bà Merkel đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được nhất trí về người sẽ kế nhiệm Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Lý do là vì Đức ủng hộ ứng cử viên chính của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị lớn nhất trong EP, ông Manfred Weber. Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ các ứng cử viên tự do theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Nhóm các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia lại muốn dành lá phiếu cho ông Michel Barnier, người đang đảm nhiệm cương vị nhà đàm phán Brexit của EU. 

Cơ chế “ứng cử viên hàng đầu” từng được áp dụng hồi năm 2014 để bầu ông Junker làm Chủ tịch EC và được các nghị sĩ trong EP ủng hộ. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều quốc gia phản đối cơ chế này.

Anh Đức (TTXVN)
Đức xét xử vụ tấn công tình dục gây rúng động
Đức xét xử vụ tấn công tình dục gây rúng động

Ngày 26/6, tòa án thành phố Freiburg thuộc bang Baden-Württemberg, phía Tây Nam nước Đức, đã mở phiên tòa xét xử 11 bị cáo, đa phần là người nhập cư, với cáo buộc cưỡng hiếp một phụ nữ 18 tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN