Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho hay liên minh cánh tả của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí tiếp nhận số người di cư trên. Ngoài ra , Đức cũng đồng ý nhận thêm những gia đình có trẻ nhỏ đã xin được quy chế tị nạn tại Hy Lạp dù không sống tại trại Moria. Thủ tướng Merkel đã cảnh báo về sự thiếu gắn kết của các nước châu Âu trong việc giải quyết vấn đề di cư trên, cho rằng đây không phải giá trị cũng như khả năng hành động của châu Âu.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tại Athens, trong đó ông hối thúc 27 nước thành viên EU có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng người di cư. Ông nhận mạnh điều cần làm là tăng cường kiểm soát biên giới, thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước thứ ba vì châu Âu không thể một mình giải quyết mọi vấn đề.
Các nước châu Âu đã đứng trước thách thức mới trong việc chia sẻ gánh nặng người di cư sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại trại Moria, trại tị nạn lớn nhất của Hy Lạp, vào ngày 8/9, đẩy hàng nghìn người di cư rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất". Ngoài Đức, Pháp trước đó đã tuyên bố tiếp nhận 150 trẻ vị thành niên tại trại Moria trong khi một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác cam kết nhận tổng cộng 100 trẻ vị thành niên cũng tại trại này.
Liên quan đến cuộc điều tra vụ hỏa hoạn trại Moria, giới chức Hy Lạp cho biết đã bắt giữ 6 đối tượng, trong đó có một thanh niên người nước ngoài, tình nghi liên quan. Theo lực lượng chức năng Hy Lạp, một số người di cư bị cách ly sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể là thủ phạm phóng hỏa trại Moria. Trại Moria được xây dựng tạm cho khoảng 3.000 người, song thực tế có tới trên 12.000 người tị nạn cư trú.
Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trên đảo Lesbon còn khiến việc giải quyết người di cư trại Moria thêm cấp bách. Theo các nhà chức trách Hy Lạp, đã có 21 người di cư trại Moria mắc COVID-19 trong khi điều kiện vệ sinh, cư trú tại trại tị nạn mới không được đảm bảo.
Việc chia sẻ gánh nặng người di cư trong nội khối EU vẫn là vấn đề nhạy cảm kể từ khi làn sóng người tị nạn với hơn 1 triệu người tìm đường sang châu Âu bùng phát cách đây 5 năm. Sự phản đối từ các nước Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia đối với việc tiếp nhận người di cư được xem là rào cản lớn trong nỗ lực cải cách chính sách tị nạn và di cư của châu Âu.