Đức trấn an dư luận về chiến lược đối phó khủng hoảng nợ

Ngày 26/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tìm cách trấn an dư luận trong bối cảnh có ý kiến nghi ngờ chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) đối phó với khủng hoảng nợ công và vị trí của Hy Lạp trong Khu vực đồng euro.

 

Ngày 24/8, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã tới Berlin, bắt đầu chuyến công du 2 ngày tới Đức và sau đó đến Pháp để thảo luận về đề nghị gia hạn thêm 2 năm cho Athens tiếp tục thực hiện các cải cách. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Thủ tướng Hy Lạp tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước ARD, Thủ tướng Merkel nói rõ EU đang ở trong giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công, vì vậy, mọi phát ngôn đều phải hết sức thận trọng. Bà Merkel không xác nhận thông tin trên tạp chí "Tấm gương" nói rằng người đứng đầu Chính phủ Đức muốn đề xuất triệu tập hội nghị thượng đỉnh EU để soạn thảo hiệp ước mới, song khẳng định điều bà mong muốn hiện nay là EU không thể "dậm chân tại chỗ" trong quá trình củng cố liên minh. Theo bà Merkel, vấn đề hiện nay là EU phải biết làm gì tiếp theo, phải cùng cam kết và cùng liên kết để giảm thiểu những bất đồng xoay quanh năng lực cạnh tranh của EU.

 

Đối với Hy Lạp, Thủ tướng Merkel nói rõ trong bối cảnh hiện nay, mỗi ngày trôi qua đều phải tính đến nỗ lực của Athens trong việc tuân thủ cam kết và bảo vệ vị trí của mình trong Khu vực đồng euro. Thừa nhận thế giới đã mất quá nhiều lòng tin vào Hy Lạp trong 2 năm rưỡi vừa qua, song bà Merkel nhắc lại sự cần thiết phải chờ đợi đánh giá của các thể chế tham gia gói cứu trợ dành cho xứ sở "Thần thoại". Ba chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự định tháng tới sẽ công bố báo cáo tích cực về tiến bộ của Athens trong việc thực hiện kế hoạch cải cách qui mô lớn và cắt giảm chi tiêu tới 11,5 tỷ euro trong 2 năm tới trước khi quyết định giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trị giá 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (161 tỷ USD) giúp Hy Lạp một lần nữa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Bà Merkel nhấn mạnh đã nhắc nhở Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras rằng nước này "còn nhiều việc cần phải làm".

 

Cũng trong ngày 26/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann cảnh báo không nên đánh giá thấp nguy cơ quyết định của ECB mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia thành viên đang ngập trong nợ nần có thể trở thành một thứ "thuốc gây nghiện nguy hiểm". Trong khi đó, quan chức cấp cao đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) bang Bavaria, ông Alexander Dobrindt, cho rằng Hy Lạp nên rút khỏi Khu vực đồng euro vào năm tới.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN