Bộ Y tế Đức (BMG) cho biết trong tuần này, vaccine liều thấp của BioNTech/Pfizer sẽ được phân phối các bác sĩ nhi khoa và các trung tâm tiêm chủng để từ đó tiến hành tiêm phòng tại tất cả các bang.
Các bác sĩ nhi khoa Đức kỳ vọng tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm tuổi cụ thể nói trên sẽ tăng cao.
Trả lời phỏng vấn báo Rheinische Post, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa và Trẻ vị thành niên (BVKJ) Thomas Fischbach cho rằng hiện là thời điểm tiêm phòng cho trẻ vị thành niên.
Hiệp hội Quốc gia về các bác sĩ bảo hiểm y tế theo luật định (KBV) cho biết các bác sĩ nhi khoa tại Đức đã đặt trước khoảng 800.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong tuần này và số vaccine này sẽ được giao muộn nhất vào ngày 14/12. Trong khi đó, theo Viện Robert Koch (RKI) về các bệnh truyền nhiễm, tính đến ngày 12/12, gần 58 triệu người tại Đức đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, qua đó nâng tỷ lệ tiêm chủng của nước này lên 69,6%. Ngoài ra, khoảng 24% dân số Đức đã được tiêm mũi tăng cường. Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach nhận định các mũi tiêm tăng cường có thể phá vỡ làn sóng Delta hiện tại và ngăn chặn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron mới có khả năng lây lan cao hơn.
Các con số liệu thống kê chính về tình hình dịch COVID-19 tại Đức đã giảm đi đáng kể (số ca mắc mới hằng ngày, tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày và tỷ lệ nhập viện). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những dữ liệu này chưa được tổng hợp đầy đủ do hệ thống y tế tại Đức đang ở trong tình trạng quá tải.
Cùng ngày tại Nam Mỹ, Brazil đã bắt đầu yêu cầu du khách nước ngoài xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi nhập cảnh vào quốc gia này.
Trước đó, ngày 11/12, thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang Brazil đã ra phán quyết rằng chứng nhận tiêm phòng COVID-19 là quy định bắt buộc để được nhập cảnh vào nước này. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron.
Cơ quan quản lý Y tế Brazil (Anvisa) cho biết cơ quan này đã gửi thông báo, đề nghị các cửa khẩu, đặc biệt tại các sân bay, tuân thủ ngay lập tức quyết định trên của Tòa Tối cao liên bang về việc yêu cầu hành khách nhập cảnh xuất trình chứng nhận tiêm phòng COVID-19 bắt đầu từ ngày 14/12.
Theo hãng tin AFP (Pháp), dù phán quyết trên cần có sự xác nhận của 9 thẩm phán khác trong tòa án cấp cao vào ngày 15-16/12 tới, song Anvisa nêu rõ quyết định này đã có hiệu lực kể từ ngày 13/12. Anvisa nhấn mạnh: "quyết định (của tòa) có hiệu lực ngay lập tức, do đó đòi hỏi cơ quan này cần kịp thời thực hiện các đánh giá, đặc biệt liên quan đến hành khách đã di chuyển hoặc đang quá cảnh tại thời điểm quyết định được ban hành".
Động thái mới nhất nói trên đã đảo ngược lại quyết định tuần qua khi Brazil ban đầu loại trừ việc yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm chủng, bất chấp khuyến nghị từ Anvisa trong bối cảnh Brazil cho đến nay đã ghi nhận ít nhất 11 ca nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
Tại Nigeria, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu Quốc gia (NPHCDA), ông Faisal Shuaib, cho biết nước này sẽ tiêu hủy khoảng một triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã hết hạn sử dụng. Hiện NPHCDA đang làm việc với cơ quan quản lý thuốc NAFDAC để ấn định ngày tiêu hủy.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ông Shuaib cho biết Nigeria đã nhận vaccine có thời hạn sử dụng ngắn từ các quốc gia tài trợ nhằm cố gắng sử dụng nhanh chóng và cung cấp sự bảo vệ cho người dân do tình trạng khan hiếm vaccine trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, trích quyết định của Ủy ban Tổng thống, ông Shuaib khẳng định Nigeria sẽ không tiếp tục chấp nhận vaccine có thời hạn sử dụng ngắn.
Trước đó, ngày 9/12, Giám đốc bộ phận về miễn dịch và vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Kate O'Brien cho biết tỷ lệ vaccine bị lãng phí ở các nước nhận hỗ trợ qua cơ chế COVAX thấp hơn ở nhiều nước có thu nhập cao. Cũng trong tuần qua, Bộ trưởng Y tế Nigeria Osagie Ehanire cho biết một số liều vaccine ngừa COVID-19 do các nước phương Tây tặng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng một tuần. Cho đến nay, chỉ dưới 4% người trưởng thành ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này đã được tiêm chủng đầy đủ.