Theo hãng tin DW, quyết định của Bộ Ngoại giao Đức được đưa ra sau khi các công tố viên nước này kết luận rằng họ có "đủ bằng chứng" cho thấy Nga hoặc Chechnya đã ám sát một cựu công dân Gruzia tại thủ đô Berlin.
Cơ quan chức năng Đức cho rằng Nga hoặc Chechnya đứng đằng sau vụ ám sát Zelimkhan Khangoshvili, một cựu thủ lĩnh phiến quân Chechnya 40 tuổi đã sang Đức xin tị nạn. Theo Bộ Ngoại giao Đức, cơ quan này buộc phải đưa ra phản ứng theo cách trên do giới chức Nga không hợp tác trong cuộc điều tra về vụ sát hại này.
Hãng dailystar.com cho biết Zelimkhan Khangoshvili bị bắn hai phát đạn vào đầu ở khoảng cách gần tại Công viên Kleiner Tiergarten vào ngày 23/8. Theo nguồn tin này, sát thủ là một người Nga và đã bị bắt ngay sau đó.
Moskva đã lập tức chỉ trích quyết định của Đức là thiếu thân thiện, đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc "vô cớ" từ phía Berlin. Nga cũng cảnh báo sẽ có động thái đáp trả quyết định nói trên.
Trước đó, các công tố viên liên bang nước này tin rằng cơ quan tình báo Nga có liên quan đến vụ sát hại một công dân Gruzia hồi tháng 8 vừa qua tại thủ đô Berlin, vì vậy, họ sẽ tiếp quản cuộc điều tra từ chính quyền địa phương.
Theo tờ Spiegel, Văn phòng Công tố Liên bang Đức đã có bằng chứng cho thấy một cơ quan tình báo nước ngoài đứng đằng sau vụ sát hại ông Zelimkhan Khangoshvili. Một số nhân chứng tại hiện trường cho biết hung thủ đã ra tay khi ông Khangoshvili đang trên đường đến một nhà thờ Hồi giáo.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát Đức đã nhanh chóng bắt giữ một nghi phạm 49 tuổi, có tên là Vadim S đến từ Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga trong lúc đối tượng này đang cố phi tang khẩu súng xuống sông Spree gần hiện trường vụ án.
Cảnh sát cũng đã thu giữ được một bộ tóc giả, một vé máy bay tới Moskva, cùng một khoản tiền mặt lớn sau khi khám xét căn hộ của nghi phạm. Mặc dù có hộ chiếu hợp lệ, song khi tiến hành kiểm tra, cảnh sát đã phát hiện số hộ chiếu của nghi phạm có liên quan đến một đơn vị thuộc Bộ Nội vụ Nga chuyên cung cấp các tài liệu nhận dạng cho cơ quan tình báo quân đội của nước này.
Khangoshvili trước đây từng tham gia cuộc chiến ủng hộ lực lượng ly khai Chechnya trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai (1999-2002) và sau đó tiếp tục tham gia các hoạt động ủng hộ lực lượng ly khai Chechnya tại Gruzia.
Những năm gần đây, nạn nhân đã chuyển sang Đức sinh sống và xin tị nạn chính trị. Vụ sát hại ông Khangoshvili khiến dư luận nhớ lại vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ở Anh hồi năm ngoái, mà London đã đổ lỗi cho tình báo Nga.
Nga cương quyết phủ nhận cáo buộc khi đó của London, và kết quả điều tra độc lập cũng cho thấy Moskva không liên quan tới cái chết của ông Skripal. Tuy nhiên, vụ việc đó từng khiến quan hệ của Nga với Anh nói riêng và Nga với các nước phương Tây nói chung vô cùng căng thẳng.