Duma Quốc gia Nga thông qua Dự luật sửa đổi Hiến pháp

Chiều 10/3 (tối 10/3 theo giờ Việt Nam), Hạ viện Nga đã bỏ phiếu thông qua Dự luật sửa đổi Hiến pháp (Luật Cơ bản) hiện hành của nước này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trước phiên họp toàn thể của Hạ viên Nga chiều 10/3 theo giờ Moskva. Ảnh: TASS

Hãng thông tấn TASS và kênh RT đưa tin, với 2 phiếu ủng hộ, 0 phiếu chống và 44 phiếu trắng, các nghị sĩ Nga chiều 10/3 đã thông qua Dự luật sửa đổi Hiến pháp trong phiên xem xét thứ hai và cũng là phiên thảo luận chính.

Theo nguồn tin trên, Dự luật sửa đổi Hiến pháp bao gồm các nội dung tăng quyền lực của quốc hội, qui định liên quan tới nhiệm kỳ của tổng thống, chuyển một số quyền lực từ tổng thống sang Duma Quốc gia (Hạ viện), nghiêm cấm việc quan chức Nga nhập quốc tịch nước ngoài, điều chỉnh mức lương tối thiểu, củng cố các điều khoản liên quan tới quyền tự do, quyền công dân và quyền con người. Sửa đổi cũng sẽ ưu tiên hóa Hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế, vị thế của tiếng Nga và một số nội dung khác... 

TASS cho hay phần đầu của Dự luật sửa đổi Hiến pháp có liên quan tới sáu chương, từ Chương 3-8. Trong khi đó, Lời tựa của bản Hiến pháp hiện nay, cùng các Chương 1-2-9 sẽ được giữ nguyên.

Trong bài phát biểu trước phiên họp toàn thể của Duma Quốc gia, Tổng thống Putin nêu rõ vấn đề sửa đổi Hiến pháp nhằm tăng cường chủ quyền và truyền thống quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để nước Nga phát triển ổn định, tích cực và tiến bộ về dài hạn.

Một trong những nội dung nổi bật trong Dự luật sửa đổi Hiến pháp là điều khoản về nhiệm kỳ của Tổng thống Liên bang Nga. Theo dự luật vừa được thông qua, tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin và các cựu nguyên thủ quốc gia Nga có thể tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới, bất kể số nhiệm kỳ mà những chính khách này từng đảm nhận trước đó. Như vậy, về lý thuyết, một khi sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực, ông Putin hoàn toàn có thể tái tranh cử vào năm 2024.

Trước đó, Tổng thống Putin nói rằng việc bãi bỏ qui định về giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống Liên bang Nga là không phù hợp. Phát biểu sau khi dự luật được thông qua, ông Putin nhấn mạnh một sửa đổi Hiến pháp như thế cần được Tòa án Hiến pháp phán quyết và tiếng nói cuối cùng sẽ do cử tri Nga quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 tới.

Ông Putin lần đầu tiên nắm quyền Tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999, sau khi Tổng thống đầu tiên của nước này, ông Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho ông Putin - khi đó đang giữ cương vị Thủ tướng Nga. Ba tháng sau, ông Putin đắc cử nhiệm kỳ tổng thống lần đầu tiên. Ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004.

Do Hiến pháp Nga không cho phép một tổng thống tại vị 3 nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin đã không ra tranh cử Tổng thống trong năm 2008. Tại cuộc bầu cử năm 2008, ông Dmitry Medvedev đắc cử Tổng thống và bổ nhiệm ông Putin làm Thủ tướng.

Ông Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 3/2012 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 (nhiệm kỳ tổng thống Nga lúc này đã được kéo dài thành 6 năm). Chiến thắng trong cuộc đua tranh cử tổng thống hồi năm 2018 đã giúp ông Putin nắm quyền thêm 6 năm nữa, tới năm 2024.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Hạ viện Nga thông qua sửa đổi Hiến pháp về nhiệm kỳ tổng thống
Hạ viện Nga thông qua sửa đổi Hiến pháp về nhiệm kỳ tổng thống

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 10/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do nghị sĩ đảng “Nước Nga Thống nhất", bà Valentina Tereshkova đề xuất, theo đó bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN