Theo Hãng thông tấn Syria (SANA), đoàn người tị nạn Syria đã trở về qua 3 điểm kiểm soát trên tuyến biên giới giữa Syria và Liban theo quy trình hồi hương người tị nạn do Nga bảo trợ.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem cho biết người tị nạn Syria được chào đón trở về và cùng tái thiết quê hương. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi này trong bài phát biểu tại phiên họp hồi tuần trước trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73 tại New York (Mỹ).
Cũng trong ngày 1/10, quyền Ngoại trưởng Liban Gebran Bassil khẳng định nước này muốn hợp tác với Áo và Liên minh châu Âu (EU) để tìm ra cách đưa người tị nạn Syria trở lại quê hương một cách an toàn và sớm nhất có thể.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Áo Karin Kneissl, ông Basli cho rằng việc phải hỗ trợ quá nhiều người tị nạn sẽ tạo ra gánh nặng kinh tế và xã hội cho quốc gia đến và cũng làm suy yếu quốc gia mà họ đã rời đi.
Theo ông, người tị nạn cần trở lại Syria để biến quê hương họ thành mảnh đất của đối thoại và cùng phát triển thay vì để các tổ chức Hồi giáo cực đoan chiếm giữ. Ông cũng nhấn mạnh phải tìm ra các giải pháp cân bằng lợi ích của của Liban và Syria.
Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hiện có khoảng 976.000 người Syria đăng ký tị nạn tại Liban. Tuy nhiên, Chính phủ Liban cho rằng con số này trên thực tế vào khoảng 1,5 triệu người. Sự xuất hiện của người di cư Liban đã tạo gánh nặng không nhỏ cho nền kinh tế Liban với ước tính khoảng 270.000 người dân Liban đã mất việc sau khi người tị nạn Syria tham gia thị trường lao động nước này.
Trước khi xảy ra nội chiến, dân số Syria ước khoảng 22 triệu người vào năm 2016. Hiện có khoảng 5 triệu người dân nước này đã rời bỏ quê hương ra nước ngoài trốn chạy xung đột vũ trang và hơn 6 triệu người bỏ tới các địa phương khác nhau trong nước.