“Rõ ràng một tháng trước, có vẻ tổng thống rất cần một chiến thắng. Tôi nghĩ Ngài ấy sẽ chấp thuận gần như bất kỳ chính sách nào về thương mại. Song bây giờ Ngài ấy đã có chiến thắng, điều đó khiến tổng thống không còn quá áp lực phải đạt được một thỏa thuận thương mại. Washington có thể sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc”, ông Greg Valliere, chiến lược gia nổi tiếng về chính sách Mỹ tại hãng AGF đồng thời là chuyên gia về chính trị trên thị trường tài chính, nhận định.
Theo tờ CNBC, chuyên gia trên đánh giá đây là thời điểm đàm phán không thể thuận lợi hơn đối với Tổng thống Trump. Báo cáo điều tra của Công tố viên Mueller và quá trình đàm phán thương mại với Trung Quốc luôn được cho là hai mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư và giới lãnh đạo tài chính.
Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ đến Trung Quốc tiếp tục đàm phán về các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại. Trong bối cảnh hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thị trường tài chính đang theo dõi sát sao tiến trình đàm phán. Phần lớn các nhà đầu tư Phố Wall đều hy vọng các mâu thuẫn sẽ được giải quyết vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump có thể cảm thấy tự tin hơn sau khi được “minh oan” từ báo cáo điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller, trong đó kết luận ban vận động tranh cử của ông không cấu kết với Nga, có khả năng sẽ làm thay đổi tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung thời gian tới.
“Vẫn còn quá sớm để dự báo, song những diễn biến hiện giờ có thể cho thấy khả năng ngày càng lớn rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ theo đuổi chính sách cũ trong tương lai gần. Điều này sẽ kéo dài thời gian hoàn tất thỏa thuận bao gồm một sự nhượng bộ lớn hơn từ Trung Quốc”, Ed Mills, chuyên gia phân tích chính sách công tại công ty dịch vụ tài chính Raymond James, cho hay.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn thể hiện sự lạc quan và hy vọng về đàm phán Mỹ-Trung sẽ có kết cục tốt đẹp.
Sau năm 2018, Mỹ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế kỷ lục, thì đến năm 2019 lại khởi đầu với một tương lai không chắc chắn, đặc biệt là khi những tác động sau khi xảy ra mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với châu Âu và Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế số 1 thế giới.
Chỉ còn 1 năm nữa là đến mùa bầu cử mới, Tổng thống Trump sẽ cần phải củng cố vị thế của mình, đặc biệt là đối với bộ phận người nông dân đang bị ảnh hưởng nặng nề vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Về phần mình, Trung Quốc cũng đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng khi để mất một thị trường trọng điểm cho mặt hàng xuất khẩu.
“Cả hai bên đều có động cơ muốn đạt được thỏa thuận. Nền kinh tế của Trung Quốc bị tuột dốc. Việc chấm dứt áp thuế quan trừng phạt của Mỹ sẽ là một động lực thúc đẩy đáng kể. Trong khi đó đối với Mỹ, mọi con đường dẫn tới chiến thắng của ông Trump vào năm 2020 đều đi phải đi qua các nông trại”, Tom Block, người đứng đầu viện nghiên cứu Fundstrat Global Advisors lý giải.