Được và mất từ Hội nghị biến đổi khí hậu

Không sớm, cũng chẳng muộn để bàn về cái được và mất sau mỗi kỳ hội nghị “maratông” về biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như về sự chậm trễ trong nỗ lực chung chống thảm họa sinh thái toàn cầu này. Cái “được” của Hội nghị lần thứ 17 của Liên Hợp Quốc (COP-17) ở Durban, Nam Phi, chỉ là thỏa thuận chính trị yếu ớt vào những thời khắc “bù giờ” trong khi cái “mất” chính là thời gian để cứu lấy Trái Đất - ngôi nhà chung của nhân loại - đang bị hoang phí.

Chia rẽ lẫn ngờ vực

Kéo dài thêm hai ngày thảo luận, COP-17 chỉ nhích thêm một bước khiêm tốn là thống nhất lộ trình tiến tới một thỏa thuận mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Song, kết quả này không đủ làm hài lòng các nhà hoạt động môi trường trong bối cảnh sự chia rẽ xen lẫn ngờ vực vẫn là màu sắc chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh của các hội nghị COP thường niên.

Ngoại trưởng Nam Phi, Chủ tịch COP-17 Maite Nkoana-Mashabane (giữa) tại phiên thảo luận cuối cùng của hội nghị. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo những gì mà các chính trị gia cho là “đột phá” ở Durban lần này, thế giới sẽ có 4 năm (2012 – 2015) để thảo luận về khung cam kết mới và 5 năm tiếp theo (2016-2020) để ký thông qua khung pháp lý này trước khi chính thức đưa vào thực hiện sau năm 2020. Như vậy, COP-17 đã dành 10 năm cho các quốc gia quyền tự định đoạt về kế hoạch cắt giảm khí thải và nghiễm nhiên thừa nhận sự sụp đổ của giai đoạn 2 Nghị định thư Kyoto. Trong khi Nga và Nhật Bản còn lưỡng lự, Canađa đã quyết tâm “rũ áo ra đi” bất chấp những chỉ trích từ phía các thành viên còn lại của COP-17. Hành động của Canađa, nước đầu tiên từ chối tham gia giai đoạn 2 của Nghị định thư này, là hệ quả tất yếu khi phần lớn thì giờ của hội nghị là dành cho cuộc tranh cãi giữa nhóm các nước phát triển và nhóm các quốc gia mới nổi về việc có khai tử Nghị định thư Kyoto hay để cho nó một con đường sống.

Có thể nói COP-17 là một trong những hội nghị nóng và gay cấn nhất trong lịch sử các cuộc thảo luận về BĐKH toàn cầu. Sự gay cấn đó thể hiện rõ ngay từ ngày đầu và kéo dài suốt tiến trình thảo luận 14 ngày của hội nghị khi sự bất đồng quan điểm không chỉ được thể hiện giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, mà còn trong chính nội bộ hai nhóm nước này.

Trong nhóm nước phát triển, mâu thuẫn nổi lên sau khi Nga, Nhật Bản và Canađa tuyên bố không tham gia giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto trước khó khăn về tài chính và quan trọng nhất là thiếu sự góp mặt của những “đại gia khí thải” hàng đầu trên thế giới như Mỹ và 4 thành viên nhóm BRICS, gồm Braxin, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc. Lý do mà Nga, Nhật Bản và Canađa đưa ra là những nỗ lực cắt giảm của họ chỉ như “muối bỏ bể” nếu không có sự tham gia của những “đại gia khí thải.” Trong khi đó, Mỹ, nước phát triển duy nhất không tham gia Nghị định thư Kyoto, cũng đưa ra lập luận tương tự đối với sự vắng bóng của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước hiện chiếm hơn 50% tổng lượng khí thải toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ cũng có cái lý của mình khi cho rằng họ không có nghĩa vụ phải gánh vác trách nhiệm lịch sử trong việc cắt giảm khí thải, khi mà chỉ số khí thải bình quân đầu người của hai nước này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và hiện ở mỗi nước đang có hàng chục triệu người phải sống trong nghèo đói.

Tranh cãi và ngờ vực suốt 12 ngày nghị sự có vẻ như không bao giờ dứt. Điều này buộc Liên minh châu Âu (EU) phải đưa ra sáng kiến làm hài lòng các bên là lộ trình 10 năm tiến tới một thỏa thuận ràng buộc mới trước khi ống khói nhà máy trên thế giới tính đến chuyện tiết giảm CO2. Đề xuất của EU cũng nhận được sự ủng hộ từ phía Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), các nước kém phát triển, Braxin và nước chủ nhà Nam Phi.

Gót chân Achilles

Lộ trình 10 năm là phần thưởng về chính trị dành cho những nước lớn thừa khí thải nhưng thiếu trách nhiệm, song lại là bước thụt lùi vô thời hạn của những nỗ lực chống BĐKH. Nhìn lại chặng đường đầy trắc trở của thế giới trong cuộc chiến này, chúng ta không khỏi thắc mắc liệu “Gót chân Achilles” nào đã khiến các hội nghị khí hậu luôn đi vào ngõ cụt?

Tròn 10 năm để thai nghén và ra đời Nghị định thư Kyoto, cộng thêm một nửa chặng đường nữa để “đứa con tinh thần” này chập chững bước đi đầu tiên. Giờ đây, thế giới có thể sẽ lại mất chừng ấy thời gian để đạt được một khung cam kết hoàn toàn mới. Thậm chí, con đường đi đến cam kết này còn chông gai hơn rất nhiều vì khi Nghị định thư Kyoto ra đời, người ta mới chỉ quan tâm đến một vế là nghĩa vụ và trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển trong khi vế còn lại là các nước mới nổi đang tiến dần đến “vị thế” là tội đồ của khí hậu. Rõ ràng, bối cảnh nay đã khác trước rất nhiều. Nghị định thư Kyoto đang bộc lộ những nhược điểm mang tính lịch sử khi nó chưa phản ánh hết cục diện của cuộc chiến chống BĐKH.

Đàm phán khí hậu phải tính đến cả trách nhiệm và nghĩa vụ của các nền kinh tế mới nổi cũng như sự cân bằng và chia sẻ lợi ích trong cuộc chơi chung. “Cái chết” được báo trước của Nghị định thư Kyoto – ràng buộc pháp lý duy nhất trong cuộc chiến khí hậu - là bài học cảnh tỉnh về tính toàn diện của một cam kết mà ở đó lợi ích kinh tế và trách nhiệm quốc tế phải được dung hòa. Vì lẽ đó, ngay trong phiên khai mạc COP-17, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã chỉ rõ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay chính là một rào cản lớn nhất đối với những nỗ lực về chống BĐKH toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này là “gót chân Achilles” còn lại khiến đoàn tàu chống BĐKH không nhích thêm một tấc nào. Vị tổng thư ký đã phải thừa nhận viễn cảnh về sự ra đời một hiệp ước toàn cầu vẫn còn xa vời.

Người khóc thương cho giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto chưa ra đời đã yểu mệnh. Kẻ vui mừng vì có thêm 10 năm tự do xoay sở với nghĩa vụ phát thải. Dù bước lên máy bay rời Durban trong tâm trạng vui hay buồn, các nhà đàm phán sẽ không thể dễ dàng quên đi trách nhiệm trước tình trạng “sức khỏe” ngày một xấu đi của Trái Đất bởi một lẽ rất đơn giản: “Không nên vì đắc lợi nhất thời mà đánh mất tương lai!”.

Hữu Thắng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN