Trong bài diễn văn kết thúc hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi người vừa mới nhận vị trí chủ tịch luân phiên AU năm 2019, nhấn mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của AU trong năm 2019 sẽ là giải quyết tình trạng tha hương vì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nghèo đói, bất ổn về an ninh và kinh tế tại châu lục.
Theo thống kê, thiên tai, đói nghèo và xung đột đã đẩy khoảng hơn 20 triệu người dân châu Phi phải rời bỏ nhà cửa. Châu Phi chiếm 6 trên 10 quốc gia có số lượng người dân chịu cảnh tha hương khổ cực nhất thế giới.
Châu Phi cũng là nơi tiếp nhận gần 1/3 số người tị nạn và người tha hương trên thế giới, mặc dù lục địa này đang đối mặt với những thách thức về xã hội, kinh tế và an ninh. Tìm giải pháp bền vững cho vấn đề người tị nạn, người hồi hương và người tha hương ở châu Phi vì vậy được xem như lực đẩy trên con đường hướng tới thịnh vượng cho người dân "lục địa Đen".
Cho tới nay, nhắc đến châu Phi, người ra vẫn nghĩ tới vòng luẩn quẩn của đói nghèo-xung đột. Châu Phi là lục địa có nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới, riêng khu vực phía Nam sa mạc Sahara vẫn là nơi tập trung nhiều người nghèo cùng cực nhất thế giới, cứ 4 người thì có 1 người bị đói. Khoảng 224 triệu người trên toàn châu Phi đang bị suy dinh dưỡng, trong đó có 59 triệu trẻ em. Vấn đề an ninh lương thực tại châu lục này luôn là một bài toán bởi mất an ninh lương thực là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều người dân châu Phi phải rời bỏ nhà cửa.
Trong bối cảnh châu Phi là khu vực dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, xuất phát từ thực tế rằng các nước nghèo luôn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do hiện tượng thời tiết cực đoan, các chuyên gia dự báo tình trạng thiếu ăn và suy dinh dưỡng cũng sẽ tiếp tục đẩy một số lượng lớn người châu Phi vào cảnh "tha phương cầu thực", đặc biệt tại những quốc gia liên tục xảy ra xung đột như Somalia, Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi dân số của châu Phi theo tính toán sẽ tăng từ 1,2 tỷ hiện nay lên 1,7 tỷ người vào năm 2030.
Bên cạnh đó, xung đột, chiến tranh và khủng bố đang trở thành "hung thần" dẫn tới cảnh loạn lạc ở châu Phi. Tại CHDC Congo, hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn sau hơn một thập niên giao tranh và bạo lực triền miên. Xung đột tại Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới, cũng khiến 2 triệu trẻ em phải chạy nạn.
Đặc biệt, nhiều phần tử thánh chiến thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã chạy khỏi Syria và Iraq tới sinh sống tại khu vực Sahel, một dải đất bán khô hạn chạy dài từ Tây sang Đông cắt ngang châu Phi và là nơi sinh sống của 500 triệu dân. Cùng với các nhóm khủng bố khác tại nơi đây như al-Qaida, al-Shabab và Boko Haram, tình trạng bất ổn an ninh tại châu Phi được dự báo có thể là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng mới về người di cư từ châu Phi sang châu Âu.
Chặn đà quay của vòng xoáy đói nghèo-xung đột bởi vậy chính là đáp án cho vấn đề người tha hương ở châu Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh AU lần này, các lãnh đạo đều đồng ý rằng khả năng hội nhập kinh tế của châu Phi cũng là một vấn đề mang tính sống còn để giúp 1,2 tỷ người dân tại lục địa có cơ hội cải thiện cuộc sống.
Do vậy, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hội nhập kinh tế châu lục này là việc khẩn trương triển khai Khu vực tự do thương mại châu Phi (AfCFTA) - dự kiến sẽ chính thức được kích hoạt trong hội nghị liên quan đến thương mại của AU diễn ra tháng 7 tới tại Niamey, thủ đô Niger. Các lãnh đạo AU khẳng định việc triển khai AfCFTA không chỉ hỗ trợ dòng chảy hàng hóa xuyên biên giới thuận lợi trên toàn châu lục mà còn thúc đẩy trao đổi năng lực trí tuệ giữa các quốc gia châu Phi, đề cao các giá trị xã hội.
Lãnh đạo các nước thành viên AU cũng cùng đưa ra cam kết không bao giờ để chủ nghĩa khủng bố làm bất ổn bất cứ quốc gia nào tại châu Phi. Đề cập vấn đề này, Chủ tịch AU Abdel-Fattah al-Sisi ví chủ nghĩa khủng bố như căn bệnh ung thư hiện đang tàn phá mọi ngóc ngách của xã hội, nhấn mạnh một trong những phương thức để loại bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa khủng bố là tìm ra và ngăn chặn những nguồn tài trợ cho chúng. Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng kêu gọi thế giới loại bỏ mọi hình thái tồn tại của chủ nghĩa khủng bố, bao gồm cả thành phần tử tôn giáo cực đoan.
Liên quan đến hòa bình và an ninh trong khu vực, lãnh đạo 55 quốc gia thành viên AU đã cam kết ngưng tiếng súng trên toàn châu lục vào năm 2020, mở đường cho những cuộc bầu cử dân chủ và chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình. Tại hội nghị, AU cũng đã ghi nhận nỗ lực gìn giữ hòa bình cũng như giải quyết những xung đột tại những các quốc gia thường xuyên xảy ra bất ổn và nội chiến như Somalia, Nam Sudan, Ethiopia, CHDC Congo và CH Trung Phi.
Như lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom - người da màu gốc Phi đầu tiên lãnh đạo tổ chức này, châu Phi sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa nếu các quốc gia đoàn kết lại vì những mục tiêu trên. Con đường hướng tới sự thịnh vượng cho châu Phi còn rất dài bởi đây vẫn là một trong những khu vực lạc hậu nhất trên thế giới.
Trong khi đó, "lục địa Đen" với nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác cũng đang trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc thế giới. Vấn đề của châu Phi, chính là tìm cách tiếp cận bền vững để hướng tới mục tiêu thịnh vượng, trong đó sự phối hợp chặt chẽ không chỉ giữa các quốc gia thuộc Lục địa đen mà giữa châu Phi với phần còn lại của thế giới, đóng vai trò quyết định.