Đáng chú ý, công nghệ đường sắt tiên tiến đã giúp Trung Quốc thiết kế, xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc xuyên biển đầu tiên với tốc độ thiết kế 350 km/h Phúc Châu-Chương Châu vào tháng 9/2023.
Mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới
Phó Chủ nhiệm Ban Phát triển và Cải cách của Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, Lý Kính Vĩ, cho biết kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, với trung bình 3.000 km đường sắt cao tốc mới mỗi năm. Nước này đã xây dựng thành công mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất và hiện đại nhất thế giới.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có quãng đường vận hành dài nhất trên thế giới. Hiện tại, quãng đường hoạt động của đường sắt cao tốc của Trung Quốc vượt quá 46.000 km, chiếm hơn 70% tổng số chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới. Trong đó, số km khai thác đường sắt cao tốc với tốc độ 300-350 km/h là 20.000 km, chiếm 43%, số km khai thác của đường sắt cao tốc với tốc độ 200-250 km/giờ là 26.000 km, chiếm 57%.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng có tốc độ vận hành thương mại nhanh nhất thế giới. Hiện tại, trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, Bắc Kinh-Thiên Tân, Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu và các tuyến khác, tàu cao tốc Phục Hưng đã đạt tốc độ tối đa 350 km/h. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được tốc độ vận hành thương mại đường sắt cao tốc 350 km/h.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có mức độ bao phủ mạng lưới cũng cao nhất trên thế giới. Từ rừng sâu tới bờ biển, đường sắt cao tốc của Trung Quốc băng qua biển, qua núi, qua sông, tỏa đi mọi hướng, đã bao phủ 96% các thành phố có dân số hơn 500.000 người trên khắp Trung Quốc.
Nỗ lực vì mạng lưới đường sắt an toàn nhất thế giới
Phó Chủ nhiệm Ban Vận tải của Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, Lục Hải Châu, cho biết so với các tuyến đường sắt khác trên thế giới, đường sắt của Trung Quốc có đặc điểm là quãng đường hoạt động dài, tốc độ cao, mật độ vận chuyển cao, tổ chức và môi trường vận hành giao thông phức tạp, trách nhiệm an toàn và áp lực an toàn cũng lớn hơn.
Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc đặt con người và an toàn tính mạng lên hàng đầu, chú trọng phát triển chất lượng cao, an toàn cao và nhấn mạnh phòng ngừa và kiểm soát rủi ro. Kể từ năm 2012, ngành đường sắt Trung Quốc đã chi gần 1.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 141 tỷ USD) để đảm bảo sản xuất an toàn. Ngành này sử dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến như cảnh báo sớm động đất, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai…, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn đường sắt hiện đại, có độ tin cậy cao, nghiên cứu và phát triển một số hệ thống giám sát và phát hiện toàn diện chuyên nghiệp, xây dựng các hệ thống phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai khác để đảm bảo sự vận hành ổn định, liên tục, an toàn đường sắt.
Kể từ năm 2012, không có tai nạn giao thông đường sắt lớn nào xảy ra ở Trung Quốc. Năm 2023, tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt và tử vong ở nước này giảm lần lượt 75% và 79% so với năm 2012, trở thành tuyến đường sắt an toàn nhất thế giới.
Lợi ích kinh tế vượt trội
Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, điều này chủ yếu được phản ánh trong bốn khía cạnh:
Thứ nhất, mạng lưới đường sắt cao tốc rút ngắn đáng kể khoảng cách thời gian và không gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, đường sắt cao tốc giúp làm giảm đáng kể khoảng cách thời gian và không gian, đồng thời tăng cường kết nối giữa các khu vực. So với trước khi khai thông tuyến đường sắt cao tốc, thời gian chạy tàu giữa Bắc Kinh và Thượng Hải đã được rút ngắn từ khoảng 12 tiếng xuống mức nhanh nhất là 4 tiếng 18 phút, thời gian chạy tàu từ Bắc Kinh đến Quảng Châu được rút ngắn từ khoảng 21 tiếng xuống mức nhanh nhất là 7 tiếng 16 phút. Hình thức đi du lịch ở Trung Quốc nhờ đó cũng trải qua những thay đổi sâu sắc, và "ngồi tàu cao tốc ngắm Trung Quốc" đã trở thành trải nghiệm thú vị của rất nhiều du khách.
Thứ hai, mạng lưới đường sắt cao tốc tăng cường kết nối liên khu vực và thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu vực. Đường sắt cao tốc đã tăng cường trao đổi giữa các khu vực phía Đông, Trung, Tây và Đông Bắc, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển hội nhập của các khu vực của Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang, Khu Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cau (Trung Quốc) và các khu vực khác, tăng cường kết nối giữa các khu vực đô thị, thúc đẩy hội nhập đô thị và nông thôn, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển đồng bộ của kinh tế và xã hội khu vực.
Thứ ba, mạng lưới đường sắt cao tốc thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề dọc theo tuyến đường. Đường sắt cao tốc đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du lịch và sinh ra các ngành nghề mới và mô hình mới như "đường sắt cao tốc + du lịch". Sau khi mở tuyến đường sắt cao tốc Trương Gia Giới-Cát Thủ-Hoài Bắc, lượng khách du lịch đổ về các khu danh lam thắng cảnh của những địa phương mà tuyến đường sắt này đi qua như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng cổ trấn tăng mạnh.
Thứ tư, mạng lưới đường sắt cao tốc được kết nối tốt đã làm cho hiệu quả hoạt động của toàn xã hội cao hơn, tổ chức lại các yếu tố sản xuất thuận tiện hơn, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc cho biết, những thành công trên của ngành đường sắt nước này là nhờ việc tập hợp được các nguồn lực vượt trội của các doanh nghiệp xương sống, trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị khác, cũng như khả năng quản lý mạng lưới đường sắt, cùng với việc duy trì sự ổn định và liên tục của quy hoạch đường sắt... Trong thời gian tới, mạng lưới đường sắt của Trung Quốc, đặc biệt là đường sắt cao tốc, sẽ tiếp tục là "đầu tàu" phục vụ và hỗ trợ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, củng cố và phát triển hơn nữa lợi thế hàng đầu thế giới của đường sắt Trung Quốc, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của đường sắt thế giới.