Theo lệnh cấm mới nói trên, nhân viên của EC cũng không được phép sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân, trong đó có điện thoại di động đã cài đặt các ứng dụng đàm thoại của EU. Ngoài ra, EC yêu cầu các nhân viên của ủy ban này phải xóa ứng dụng TikTok càng sớm càng tốt và khuyến nghị thời điểm phù hợp nhất là từ nay đến ngày 15/3.
Người phát ngôn của EC, bà Sonya Gospodinova, nhấn mạnh rằng quyết định trên được đưa ra vì lý do an ninh. Lệnh cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ lợi dụng các kẽ hở an ninh mạng để tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính và môi trường làm việc của ủy ban này.
Hiện chưa có thông tin nào về việc liệu các thể chế khác của EU như Hội đồng châu Âu, đại diện cho các quốc gia thành viên EU, hoặc Nghị viện châu Âu (EP) có thực hiện các biện pháp tương tự hay không.
Về phần mình, một người phát ngôn của TikTok cho biết công ty công nghệ này - thuộc công ty mẹ Byte Dance có trụ sở tại Trung Quốc - đã bày tỏ thất vọng về quyết định mới nhất từ phía EC, đồng thời cho rằng "quyết định này là sai lầm và dựa trên những quan niệm sai lệch cơ bản."
TikTok nêu rõ công ty này đang bảo vệ dữ liệu của 125 triệu người dùng hằng tháng tại EU trên ứng dụng cùng tên và đang triển khai các bước nhằm tăng cường bảo mật dữ liệu. Các biện pháp này bao gồm thiết lập 3 trung tâm dữ liệu tại châu Âu để lưu trữ dữ liệu người dùng theo khu vực; tiếp tục giảm quyền truy cập dữ liệu đối với nhân viên của công ty này và giảm thiểu luồng dữ liệu ngoài châu Âu.
Vào năm ngoái, Mỹ cũng đã cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng. Thậm chí, một số nhà lập pháp nước này đang nỗ lực thúc đẩy nhằm cấm dùng ứng dụng này tại Mỹ. Trong những tháng gần đây, các quốc gia phương Tây khác cũng đang tăng cường giám sát ứng dụng này do lo ngại nguy cơ không bảo mật dữ liệu của người dùng.