Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU, với khoảng 40% khí đốt và 27% dầu mỏ nhập khẩu EU là từ nước láng giềng này. Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU cũng bắt đầu cân nhắc các chính sách năng lượng trong bối cảnh ngày càng nhiều mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Hiện EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ của Nga.
Để giảm dần phụ thuộc năng lượng vào Nga, Brussels đề xuất kế hoạch gồm 3 trụ cột: Tìm thêm nguồn cung khí đốt khác ngoài Nga, đẩy nhanh triển khai sử dụng năng lượng tái tạo và tăng các biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp thực hiện kế hoạch bao gồm thông qua các luật, các cơ chế không ràng buộc và đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ 27 nước thành viên trực tiếp quyết định các chính sách năng lượng ở mỗi quốc gia.
Tổng cộng, Brussels hy vọng các chính phủ dành thêm 210 tỷ euro đầu tư đến năm 2027 và 300 tỷ euro tính đến năm 2030. Các khoản đầu tư bao gồm 86 tỷ euro cho năng lượng tái tạo, 27 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng năng lượng hydrogen, 29 tỷ euro cho mạng lưới dây dẫn điện và 56 tỷ euro cho các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, EC cũng cho rằng sẽ cần thêm một số khoản đầu tư cho các cơ sở hạ tầng liên quan nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là các nước nằm sâu trong lục địa ở Trung và Đông Âu do những nước này không dễ dàng tìm kiếm các nguồn cung năng lượng khác. Theo đó, các khoản đầu tư cho các dự án khí đốt và khí đốt hóa lỏng là 10 tỷ euro trong khi các dự án dầu mỏ cần tối đa 2 tỷ euro.
Brussel mong muốn các quốc gia sử dụng một phần quỹ phục hồi từ đại dịch COVID-19 của khối trị giá 800 tỷ euro cho kế hoạch này. Các mục tiêu tăng đóng góp của các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030 cũng được nâng từ mức 40% lên 45% và giảm 13% mức tiêu hao nhiên liệu vào năm 2030, cao hơn mức 9% được đưa ra trước đó. EC dự tính trong ngắn hạn sẽ tìm nhà cung cấp khí đốt khác để đảm đương cung cấp 155 tỷ m3 khí đốt mà EU mua từ Nga mỗi năm.
EU đặt mục tiêu giảm 30% nhu cầu khí đốt vào năm 2030 để đạt được các mục tiêu khí hậu nhưng hiện nay các nước thành viên vẫn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu này để phục vụ các nhu cầu cơ bản như sưởi ấm, sản xuất điện và cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng EU có thể kết hợp việc áp thuế nhập khẩu đối với dầu mỏ của Nga và lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga theo từng giai đoạn mà khối này đang xem xét, qua đó giảm bớt doanh thu năng lượng của Moskva. Về vấn đề này, ngày 17/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc Mỹ đề xuất đánh thuế đối với dầu mỏ của Nga có nghĩa là người mua sẽ phải trả nhiều tiền hơn hoặc phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết đề xuất thuế quan nêu trên sẽ được đại diện Mỹ đưa ra tại cuộc họp lãnh đạo tài chính Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong tuần này, coi đây một cách ít tốn kém hơn về mặt kinh tế nhưng lại nhanh chóng giúp thu hẹp nguồn thu từ dầu mỏ của Moskva.
Cũng trong ngày 18/5, Chính phủ Áo công bố kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Theo đó, Áo sẽ giảm tiêu thụ khí đốt nhập của Nga từ mức 80% xuống 70% tổng lượng khí đốt tiêu thụ. Chính phủ Áo cũng sẽ lần đầu tiên thiết lập kho dự trữ chiến lược khí đốt không nhập từ Nga mà tất cả các ngành kinh tế đều có thể sử dụng khi cần. Các cơ sở dự trữ khí đốt tại Áo không được phép để xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn dự trữ. Hiện năng lực dự trữ khí đốt của Áo là 26%. Nước này đặt mục tiêu nâng năng lực dự trữ lên 80% trước mùa đông tới. Các biện pháp trên sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội và sẽ được thông qua nếu nhận được sự ủng hộ từ 2/3 tổng số nghị sĩ trong Quốc hội.