Theo đề xuất này, EC mong muốn các nội dung kích động hoặc cổ xúy những hành vi phạm tội cực đoan, tung hô các tổ chức cực đoan hoặc trình chiếu cách thức thực hiện những hành động tội ác như vậy sẽ bị xóa bỏ khỏi trang web của các công ty trên trong vòng một giờ kể từ khi họ tiếp nhận yêu cầu phản hồi từ nhà chức trách cấp quốc gia.
Trong đề xuất, EC cũng yêu cầu các nhà khai thác Internet thực hiện các biện pháp chủ động giải quyết vấn đề, như phát triển các công cụ mới để loại bỏ những nội dung mang tính ngược đãi... Bên cạnh đó, các thực thể này cũng sẽ phải nộp các báo cáo về tính minh bạch hàng năm để chứng tỏ những nỗ lực trong giải quyết vấn nạn ngược đãi.
Các công ty khai thác Internet không thực hiện gỡ bỏ nội dung cực đoan một cách có hệ thống có thể phải nộp phạt số tiền tương đương với 4% trong tổng doanh thu cả năm trên toàn cầu của họ.
Tuy vậy, đề xuất của EC nêu rõ các nhà cung cấp nội dung vẫn có quyền phản đối các yêu cầu gỡ bỏ nội dung của họ. Trong khi đó, các chính phủ cần phải nâng cao năng lực xác định các nội dung cực đoan trực tuyến, đưa ra các biện pháp xử phạt và thủ tục kháng cáo phù hợp.
Hiện đề xuất này vẫn cần được các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua để chính thức trở thành luật.
Trên thực tế, kể từ tháng 12/2015, ngành cung cấp dịch vụ Internet đã không ngừng nỗ lực nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng Internet của các tổ chức cực đoan quốc tế, trong đó có việc tạo dựng một cơ sở dữ liệu với nhiều chuỗi thuật toán nhằm phát hiện sớm và xử lý hiệu quả các nội dung cực đoan.