EC giục Hy Lạp đáp lại nhượng bộ của chủ nợ

Ngày 15/6, Ủy ban châu Âu (EC) thúc giục Hy Lạp đưa ra những biện pháp cụ thể để đáp lại những nhượng bộ trước đó của các chủ nợ quốc tế, nhằm có thể đạt được một thỏa thuận cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Hy Lạp tại Athens ngày 15/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong tuyên bố trước báo giới, người phát ngôn EC Annika Breidthardt cho biết Hy Lạp đã đồng ý chấp nhận các chỉ tiêu ngân sách năm 2015 mà EU đặt ra, cụ thể là giảm thặng dư ngân sách từ 3% xuống còn 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên về phía EU vẫn nghi ngờ những cam kết này.

Bà Breidthardt đánh giá cao gói đề xuất mà EU và các chủ nợ quốc tế đưa ra với Hy Lạp trong cuộc đàm phán vừa kết thúc ngày 14/6, cho rằng những đề xuất đó hoàn toàn khả thi, cân bằng và có cơ sở kinh tế, đáp ứng được nhu cầu của người dân, Chính phủ Hy Lạp cũng như 18 nước còn lại của Eurozone.

Song về phần mình, sau thất bại trong đàm phán và chỉ trích những yêu cầu của các chủ nợ quốc tế là "vô lý" và quá khắt khe, đại diện Chính phủ Hy Lạp, ông Gavriil Sakellaridis tuyên bố nước này không có ý định đưa ra đề xuất mới để nối lại đàm phán với các chủ nợ và sẽ "kiên nhẫn chờ đợi" cho tới khi các chủ nợ có quan điểm "thực tế hơn".

Tuyên bố trên của Athens đặt ra mối nghi ngờ vào một kết quả tích cực trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính dự định tổ chức tại Luxembourg ngày 18/6 tới về vấn đề nợ của Hy Lạp. Đổ vỡ trong đàm phán cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản, và phải ra khỏi Eurozone.

Trong lúc này, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 14/6, Phó Thủ tướng Đức, đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Sigmar Gabriel đã bác bỏ khả năng cứu Hy Lạp "bằng mọi giá". Điều này trái ngược với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng cần giữ Hy Lạp ở lại Eurozone bằng mọi giá. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo thậm chí còn tuyên bố nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Eurozone là rất "thực tế", dù điều này không có lợi cho cả châu Âu cũng như người dân đất nước Địa Trung Hải này.

Nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và rời Eurozone đã tác động tới thị trường tài chính. Trong phiên giao dịch sáng 15/6, đồng euro đã sụt giá so với đồng USD, với tỷ giá 1 euro đổi 1,1193 USD.


TTXVN/Tin tức
Hy Lạp không đạt được thỏa thuận cứu trợ với chủ nợ
Hy Lạp không đạt được thỏa thuận cứu trợ với chủ nợ

Cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ về khoản giải ngân cuối cùng 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ đã kết thúc không đạt được thỏa thuận nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN