Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 13/2 cho biết những tín hiệu kinh tế tích cực đã giúp Eurozone vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tăng trưởng của 20 nước thành viên Eurozone dự báo sẽ đạt 0,9% trong năm 2023 thay vì mức 0,3% dự báo trước đó.
Lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm hơn so với thời điểm xung đột nổ ra, đẩy giá xăng dầu và khí đốt “phi mã” hồi năm ngoái. EC cho biết: “Việc tiếp tục đa dạng hóa các nguồn cung và mức tiêu thụ giảm mạnh đã khiến dự trữ khí đốt cao hơn mức trung bình theo mùa của những năm trước và giá khí đốt đã giảm xuống dưới mức trước khi xảy ra xung đột”. Bên cạnh đó, thị trường lao động EU tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp chưa từng có.
Lạm phát ở Eurozone được dự báo tăng lên 5,6% trong năm nay. Theo EC, đỉnh lạm phát dường như đã đi qua sau khi chạm mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2023.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trên khắp thế giới đã tung ra hàng loạt đợt tăng lãi suất vào năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, EC cảnh báo rằng: “Những cơn gió ngược về kinh tế vẫn còn mạnh”. Người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với chi phí năng lượng cao và lạm phát cơ bản (lạm phát toàn phần không bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa chế biến) vẫn tăng trong tháng 1/2023. Theo báo cáo của EC, khi áp lực lạm phát vẫn còn, việc thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh và gây trở ngại cho đầu tư.
EC giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm 2024 ở mức 1,5% và lạm phát tăng 2,5%. Mức này vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% theo Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của châu Âu. Trong khi những dự báo chưa chắc chắn về tăng trưởng vẫn cao, rủi ro đối với tăng trưởng được cân bằng.
Theo báo cáo của EC, nhu cầu nội khối có thể tăng cao hơn dự báo nếu giá khí đốt giảm gần đây tác động đến giá tiêu dùng mạnh hơn và tiêu dùng chứng minh được khả năng phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ khả năng đảo ngược xu hướng này trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa chấm dứt.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết về tổng thể, nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự báo, nhưng ECB có thể duy trì lộ trình tăng lãi suất vào tháng 3 tới.
Nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực Eurozone có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cú sốc kinh tế, với lạm phát chậm lại từ mức đỉnh trong tháng 10/2022 và đạt tăng trưởng vào cuối năm 2022.