Phát biểu với báo giới cùng ngày, Chủ tịch Ursula von der Leyen của EC, cơ quan điều hành của EU, thông báo EC đề nghị trao qui chế ứng cử viên gia nhập liên minh này cho Ukraine, quốc gia đã nỗ lực tham gia EU từ năm 2014.
Bà Ursula von der Leyen nói: "Ukraine đã thể hiện rõ ràng mong muốn và quyết tâm sống theo các giá trị và tiêu chuẩn châu Âu". Quyết định trên của EC sẽ mở đường cho các nhà lãnh đạo của các chính phủ thành viên EU xúc tiến các bước đi tiếp theo trong tiến trình kết nạp Ukraine, trước mắt là tại Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels vào tuần tới.
Phản ứng trước động thái trên, Điện Kremlin tuyên bố việc EU trao qui chế ứng cử viên cho Ukraine khiến Moskva phải lưu tâm hơn. Hồi đầu tháng 4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moskva không phản đối Ukraine gia nhập EU, song NATO thì không.
Trước tiên, Ủy ban đề xuất với Hội đồng châu Âu rằng Ukraine được trao triển vọng châu Âu, và thứ hai, Ukraine được trao tư cách ứng cử viên. Tất nhiên, cần hiểu rằng nước này sẽ thực hiện một số cải cách ý nghĩa hơn nữa". Bà von der Leyen nhấn mạnh Ukraine vẫn cần thực thi những công việc quan trọng trong những lĩnh vực như pháp quyền và cuộc chiến chống tham nhũng.
Theo trang euronews, EC cũng đồng ý trao qui chế ứng cử viên EU cho Moldova. Tuy nhiên, cơ quan này phản đối trao qui chế đó cho Gruzia cho tới khi nước này đáp ứng được một số điều kiện.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macronngày 16/6 cho biết 4 lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang có mặt tại thủ đô Kiev của Ukraine ủng hộ ý tưởng "ngay lập tức" trao quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine.
Ông Macron đưa ra bình luận trên tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Tổng thống Pháp khẳng định: "Cả 4 chúng tôi ủng hộ trao quy chế ứng cử viên EU ngay lập tức cho Ukraine". Ông Macron cũng thông báo Pháp sẽ tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Thủ tướng Scholz nêu rõ Đức ủng hộ "một quyết định tích cực có lợi cho Ukraine". Ông cũng cảm ơn Tổng thống Ukraine nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) ở Bayern (Đức) vào cuối tháng này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu nhà lãnh đạo Ukraine có rời Kiev tới Đức tham dự hay chỉ dự hội nghị qua hình thức trực tuyến.
4 nhà lãnh đạo EU đã đến thủ đô Kiev ngày 16/6 trong chuyến thăm đầu tiên của họ tới Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi cuối tháng 2. Cùng ngày, theo hãng tin Interfax, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky tuyên bố Moskva sẵn sàng tái khởi động cuộc đàm phán hòa bình với Kiev, nhưng chưa nhận được phản hồi về đề xuất này.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để giải quyết xung đột, trong đó có cả cuộc đàm phán cấp cao của phái đoàn hai nước tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hiện đã bị đình trệ.
Ngày 16/6, Điện Kremlin bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy sẽ nhân chuyến công du Ukraine để thảo luận về các vấn đề khác ngoài việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh các nhà lãnh đạo EU nên tận dụng cuộc gặp của họ với Tổng thống Zelensky để có được "cái nhìn thực tế" về các vấn đề hiện nay.
Ông Peskov nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng lãnh đạo ba nước này và Tổng thống Romania (Klaus Iohannis) sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp thêm vũ khí cho Kiev”. Ông cho rằng vì điều đó sẽ "hoàn toàn vô ích và gây thiệt hại thêm cho Ukraine". Điện Kremlin cảnh báo sẽ có hành động đáp trả những động thái này của phương Tây.